Cặp dây thanh âm trong thanh quản giúp con người chúng ta có thể nói, phát âm bình thường. Hai dây thanh này được bao phủ bởi một lớp niêm mạc mỏng. Nếu lớp niêm mạc này bị tổn thương dẫn tới sưng, phồng lên sẽ dẫn tới phù nề thanh quản. Triệu chứng thường gặp là biểu hiện khản tiếng, mất tiếng.

Phù nề thanh quản có thể do viêm hoặc không viêm. Trong đó, phù nề không viêm thường do thần kinh vận mạch, dị ứng thức ăn, thời tiết hoặc không tìm thấy nguyên nhân còn gọi là phù thanh quản vô căn. Phù nề thanh quản do viêm thường biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ, đau mình mẩy, môi khô, khó nuốt,…

Phù nề thanh quản do viêm có nhiều nguyên nhân như thời gian làm việc kéo dài, cường độ của giọng lớn, thói quen hút thuốc lá, uống rượu… Những người làm nghề phải sử dụng giọng nói nhiều như: giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên,… hoặc làm việc trong môi trường tiếng ồn cao, bụi bẩn, độc hại, nhất là bụi than và bụi hóa chất... cũng dễ mắc bệnh. Hậu quả của phù nề thanh quản là gây khản tiếng, mất tiếng khiến một số người phải nghỉ việc, bỏ nghề. Trường hợp nặng, bệnh nhân xuất hiện khó thở ở mức độ khác nhau. Một số người tử vong do tình trạng phù nề dây thanh quản nặng dẫn đến khó thở, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. 

Về điều trị, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại chỗ, chườm ấm vùng cổ, hạn chế nói, tránh uống rượu bia, hút thuốc lá, không ăn các gia vị kích thích như tiêu, ớt… Đồng thời, cần uống hoặc tiêm kháng sinh tùy theo mức độ của bệnh cùng với thuốc kháng viêm steroid, kháng histamin; dùng khí dung mũi họng với dung dịch kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc tai mũi họng. Nếu xuất hiện khó thở nặng, bệnh nhân cần được chuyển đến bệnh viện để được cấp cứu mở khí quản kịp thời, thở oxy hỗ trợ.

Hiện nay, để hỗ trợ và phòng ngừa khản tiếng, mất tiếng do phù nề thanh quản, nhiều bác sĩ và bệnh nhân đang tin tưởng lựa chọn các sản phẩm nguồn gốc thảo dược, dùng được lâu dài.