Thời tiết sang xuân, mua phùn, độ ẩm cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển gây bệnh đường hô hấp phát triển, sức đề kháng yếu sẽ khiến cơ thể dễ mắc bệnh như viêm họng, viêm thanh quản, khản tiếng, khó nói… gia tăng khiến người bệnh cảm giác khó chịu, ăn uống cũng khó khăn ăn không còn cảm giác ngon, đắng miệng khó nuốt.

Trong các bệnh đường hô hấp thường gặp nhất là một số bệnh sau:
Bệnh viêm khí - phế quản cấp do các loại virus cúm gây ra cũng phát triển mạnh trong mùa xuân. Triệu chứng đầu tiên là hắt hơi, sổ mũi, sau đó là ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực, khó thở. Với các đối tượng có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ em thường rất dễ mắc bệnh này. Do vậy, cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh lạnh, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước.

bệnh viêm mũi dị ứng cũng rất hay gặp vào thời gian này ở những người có cơ địa dị ứng, bởi đây là thời điểm phấn hoa phát tán nhiều trong không khí. Bệnh nhân phát bệnh thấy mũi ngứa, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi rất khó chịu. Mọi người có thể phòng viêm mũi dị ứng bằng cách hạn chế đến những nơi trồng nhiều hoa, không cắm hoa trong phòng, đeo khẩu trang khi đi ra đường. Nếu khi hít phải phấn hoa có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi bằng nước muối vô khuẩn.

Viêm thanh quản thường xảy ra sau đợt viêm nhiễm của đường hô hấp trên (mũi - xoang, họng). Bệnh cũng có khi xuất hiện ngay sau khi bị cảm lạnh với dấu hiệu chính là khản tiếng hay mất tiếng đột ngột. Ban đầu, các triệu chứng của viêm thanh quản cấp thường biểu hiện khá rầm rộ như: sốt, mệt mỏi, khô rát họng, ho khan. Sau đó, ho chuyển sang có đờm nhầy, khản tiếng, đôi khi mất tiếng. Viêm thanh quản cấp nếu không điều trị triệt để sẽ tái phát nhiều lần và dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Với các triệu chứng này người bệnh không chú ý bảo vệ thì sẽ khiến bệnh nặng hơn và gây ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó khi mới chớm có các dấu hiệu người bệnh nên chú ý một số thực phẩm như canh gà, chuối, trứng gà để giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ điều trị bệnh nhanh khỏi. Dưới đây là một số thực phẩm mà người bệnh nên dùng như sau:

  • Chuối: chuối là một loại quả mềm, dễ nuốt, không gây kích thích họng. Chuối có chỉ số tăng đường thấp, giầu vitamin B6, vitamin C và kẽm, do đó chuối được đánh giá là loại hoa quả tốt cho người đang bị viêm họng, hơn nữa chuối lại có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe do đó nên ăn thêm chuối.
  • Canh gà: món ăn ngon hấp dẫn nhiều gia đình, khi trời lạnh với món canh gà nóng hổi không chỉ bổ mà còn có tác dụng tốt cho người đang bị đau họng. Canh gà có tác dụng chống viêm, có thể giảm nhẹ yết hầu xung huyết. Khi nấu canh gà  có thể thêm các loại rau củ giầu dinh dưỡng như cà rốt, hành lá, cần tây, khoai sọ, khoai tây và tỏi. Dinh dưỡng hàm chứa trong những thực phẩm này đều có tác dụng trị bệnh.
  • Nước chanh và mật ong:  bình thường uống nước chanh giúp giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng, hơn nữa nước chanh hòa mật ong là bài hay được dùng nhất đối với người bị viêm họng, khi kết hợp mật ong và nước chanh thì cả hai đều có tác dụng kháng khuẩn chống viêm rất tốt.
  • Trứng gà hoặc lòng trắng trứng: sở dĩ trong trứng gà hoặc lòng trắng trứng có thể cung cấp chất protit trợ giúp tiêu hóa, có tác dụng giảm nhẹ chứng viêm họng và đau họng. Khi ăn tốt nhất không thêm gia vị, nếu không sẽ làm cho họng càng đau mạnh hơn.
  • Trà gừng hoặc trà mật ong: trà gừng có tác dụng ôn nhiệt, trà mật ong có tác dụng tiêu viêm chặn ngứa, có tác dụng giảm bớt tức ngực hoặc cảm giác căng thẳng. Mật ong có tác dụng giảm viêm nhiễm họng, ngăn chặn kích thích gây ra ho.
  • Bánh yến mạch: bột yến mạch cũng tốt cho người viêm họng vì giầu chất xơ hòa tan, giúp giảm thấp cholesterol, protein phong phú, tăng cường cảm giác no. Nếu thêm chuối hoặc mật ong vào trong bánh yến mạch có tác dụng giảm đau nhức họng.…