Mất giọng khản tiếng thường do viêm nhiễm đường hô hấp trên. Mặc dù mất giọng hiếm khi là mối nguy hại về sức khỏe nhưng gây ra không ít phiền toái cho người mắc, nhất là những đối tượng sử dụng giọng nói để làm việc. Vậy tại sao bạn bị mất giọng nói và cách khắc phục thế nào?
Mất giọng là bệnh gì?
Mất giọng (hay mất tiếng) là một triệu chứng, không phải bệnh lý. Khi điều này xảy ra, giọng nói của bạn sẽ bị khàn đặc, âm thanh phát ra nhỏ và trầm nên phải gắng sức mới nói được. Bạn có thể bị mất giọng một phần (lời nói vẫn nghe được nhưng không rõ ràng) hoặc mất tiếng hoàn toàn (không thể phát ra câu từ rõ ràng mà chỉ nghe như tiếng thì thầm).
Mất giọng có thể đến từ từ hoặc nhanh chóng, phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Ngoài ra, mất giọng khàn tiếng thường đi kèm với đau rát họng, hụt hơi và nói nhanh mệt.
Mất giọng là tình trạng âm thanh phát ra nhỏ và không rõ tiếng
Tại sao bạn bị khản tiếng, mất giọng?
Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta mất đi giọng nói của mình. Lý do dẫn tới mất tiếng có thể đến từ những yếu tố bên ngoài hoặc các bệnh lý tiềm ẩn bên trong. Cụ thể:
Nguyên nhân gây mất giọng tạm thời
Nguyên nhân gây mất giọng khản tiếng tạm thời thường xuất phát từ những yếu tố khách quan và có thể dễ dàng loại bỏ. Theo đó, nếu đột nhiên không thể nói nên lời, bạn hãy xem xét một vài lý do sau:
Lạm dụng giọng nói quá nhiều
Bất cứ ai cũng có thể bị mất giọng khản tiếng nhưng một số người dễ gặp tình trạng này hơn. Theo đó, những đối tượng hay phải sử dụng giọng nói như giáo viên, ca sĩ, diễn viên, người bán hàng… thường xuyên phải đối mặt với tình trạng này.
Mỗi lần nói hoặc hát, bạn sử dụng các cơ khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả một số cơ ở miệng và cổ họng. Giống như các nhóm cơ khác, việc cơ miệng phải hoạt động quá mức cũng có thể dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng và tổn thương. Hay như việc nói sai kỹ thuật, các cơ phối hợp không nhịp nhàng đều có thể ảnh hưởng đến giọng nói. Những hành động được xem là lạm dụng giọng nói gồm:
- Nói, hát, la hét quá nhiều và trong thời gian dài.
- Nói chuyện với âm vực cao hơn hoặc thấp hơn bình thường, ví dụ khi tranh luận, diễn giải hay thì thầm…
- Đặt điện thoại gần khu vực cổ họng.
Cảm lạnh
Nếu bạn bỗng nhiên bị chảy nước mũi, đau họng và cảm thấy giọng mình có chút thay đổi thì rất có thể đó là biểu hiện của cảm lạnh. Virus có thể tấn công dây thanh quản, gây ra viêm và làm nó sưng lên, đồng thời thay đổi cách không khí đi qua dẫn tới khản giọng cho đến mất tiếng tạm thời.
Hít phải các chất gây kích ứng thanh quản
Khói thuốc lá là thủ phạm hàng đầu gây kích ứng dây thanh quản, về lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề ở giọng nói. Đã có bằng chứng chỉ ra rằng, những người hút thuốc trực tiếp và thụ động có nguy có bị rối loạn giọng nói cao hơn 3 lần so với bình thường.
Hút thuốc lá cũng thúc đẩy hình thành và phát triển các khối u nhỏ nhưng không phải ung thư như polyp, hạt xơ. Những tổn thương này là nguyên nhân khiến giọng nói của bạn trở nên trầm, hụt hơi, khản tiếng và khó thở.
Ngoài khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa hay nấm mốc đều là những tác nhân cơ bản có thể làm biến dạng giọng nói của bạn. Tình trạng này cũng xảy ra khi thời tiết giao mùa, virus, vi khuẩn và nấm mốc tấn công cơ thể, gây viêm nhiễm đường hô hấp.
Khói thuốc lá gây kích ứng dây thanh quản dẫn đến khàn tiếng
Dị ứng
Khi nói đến dị ứng, chúng ta thường nghĩ đến các biểu hiện ngoài da như ngứa, phát ban đỏ. Ở hệ hô hấp, cùng với các triệu chứng ngứa mắt, hắt hơi hay sổ mũi, dị ứng có thể làm dây thanh sưng lên. Khi chất nhầy di chuyển từ mũi xuống cổ họng, nó sẽ gây kích ứng dây thanh âm và thúc đẩy phản xạ ho. Việc hắng giọng lúc này rất dễ làm căng dây thanh quản, dẫn đến khản giọng, mất tiếng.
Căng thẳng, áp lực
Thật khó tin nhưng việc áp lực, lo lắng quá mức cũng khiến các nhóm cơ trong cơ thể căng thẳng theo, gọi là rối loạn căng cơ. Dây thanh quản bị căng cứng sẽ không thể rung động nhịp nhàng, từ đó ảnh hưởng đến luồng không khí đi qua cổ họng khiến niêm mạc thanh quản teo dần, gây ra mất giọng một phần.
Căng thẳng khiến chúng ta khó kiểm soát tâm trạng, dễ tức giận, la hét và điều đó làm thanh quản bị viêm. Mặt khác, stress cũng kích thích dạ dày tiết acid trào ngược lên thực quản và phá vỡ lớp niêm mạc họng, gây ra viêm thanh quản, khản tiếng.
Nguyên nhân gây mất tiếng từ bệnh lý
Nếu mất giọng xảy ra thường xuyên hoặc khản tiếng kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng. Những bệnh lý có triệu chứng là mất giọng gồm:
Viêm thanh quản
Khi bị mất giọng, trong hầu hết các trường hợp, thanh quản và khu vực xung quanh nó đã bị kích thích, viêm hoặc sưng lên. Tình trạng viêm hoặc sưng này ngăn cản dây thanh quản rung động đúng cách, từ đó dẫn đến khản tiếng và cuối cùng là mất giọng. Vì thế, cho dù bạn cố gắng nói bình thường thì cũng chỉ có thể phát ra những tiếng thì thầm.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày là hiện tượng axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng. Triệu chứng chính của bệnh là ợ chua nhưng trào ngược cũng có thể làm suy yếu giọng nói của bạn. Axit trong dạ dày gây kích ứng dây thanh quản, cổ họng và thực quản. Điều này dẫn đến việc bạn bị khản giọng, thở khò khè và có nhiều chất nhầy trong cổ họng.
Axit từ dạ dày trào ngược gây kích ứng thực quản và dây thanh quản
Dây thanh có các tổn thương thực thể
Khản tiếng mất giọng cũng có thể là kết quả của các tổn thương lành tính ở dây thanh âm, chẳng hạn như u nang hoặc polyp. Những tình trạng này không phổ biến và ảnh hưởng đến dây thanh âm theo cách khác với viêm thanh quản cấp tính. Thế nhưng, chúng ít có khả năng tự khỏi và chỉ được chẩn đoán bằng nội soi thanh quản.
Dây thần kinh thanh quản gặp vấn đề
Một tình trạng thần kinh như bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng đến các cơ ở mặt và cổ họng. Thống kê cho thấy, gần 90% người bị Parkinson mắc một số dạng rối loạn giọng nói. Parkinson khiến các bộ phận của não kiểm soát chuyển động và phối hợp suy giảm. Điều này có nghĩa là người bệnh không có khả năng kiểm soát các cơ cần thiết cho lời nói.
Ung thư thanh quản
Khàn tiếng hoặc mất tiếng kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng. Các triệu chứng khác của bệnh là: Đau khi nuốt, đau tai, khó thở, khối u ở cổ.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch gây ra đau, sưng và cứng khớp. Khoảng 1 trong 3 người bị viêm khớp dạng thấp gặp các vấn đề về giọng nói, bao gồm đau họng và mất giọng. Đó là bởi tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các khớp nhỏ trên mặt và cổ họng của bạn, dẫn đến các vấn đề về hô hấp và cách hoạt động của dây thanh quản.
Các vấn đề về tuyến giáp
Khi tuyến giáp hoạt động không đầy đủ, một triệu chứng bạn có thể gặp phải là khàn giọng. Nếu tuyến giáp lớn hơn bình thường sẽ dẫn đến bướu cổ, gây ra triệu chứng ho và khó nói.
Khản tiếng mất giọng có thể do các rối loạn ở tuyến giáp
Những cách chữa mất tiếng hiện nay
Tùy vào thời gian bạn bị mất tiếng và mức độ nghiêm trọng mà có các cách chữa khác nhau. Cụ thể:
Một số biện pháp cải thiện mất tiếng tạm thời
Thực tế, không có cách nào giúp lấy lại giọng nói nhanh chóng khi bị khàn giọng mất tiếng. Tuy nhiên, một số mẹo có thể làm dịu và khôi phục các dây thanh bị viêm, bao gồm:
- Cho giọng nói nghỉ ngơi: Các dây thanh quản tiếp xúc với nhau mỗi khi bạn nói, vì vậy hạn chế nói sẽ giúp tổn thương bớt nghiêm trọng hơn. Hãy cố gắng không nói chuyện trong 1-2 ngày hoặc nói chuyện nhẹ nhàng nhưng tránh nói thầm.
- Giữ đủ nước: Uống nhiều nước giúp cung cấp độ ẩm cho khoang miệng, tránh để cổ họng khô. Lưu ý, không dùng đồ uống chứa caffein hoặc rượu bia vì chúng có thể gây mất nước.
- Súc miệng bằng nước muối: Muối giúp chữa lành các mô bị kích thích trong cổ họng của bạn. Hãy súc miệng bằng nước muối 2-3 lần một ngày cho đến khi giọng nói của bạn trở lại.
- Sử dụng viên ngậm: Viên ngậm có thể làm dịu và tê cổ họng trong một khoảng thời gian. Ngậm cũng giúp tăng tiết nước bọt nhằm giữ ẩm cho cổ họng.
- Tắm nước nóng: Hơi nóng từ nước nóng giúp làm ẩm dây thanh quản và dịu cơn đau họng hiệu quả. Thêm một vài giọt tinh dầu như bạch đàn, bạc hà nếu bạn thích.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Cổ họng thường khô hơn vào ban đêm vì trong lúc ngủ, cơ thể tiết ra ít nước bọt hơn và vi khuẩn tích tụ trong miệng. Khi miệng và cổ họng bị khô, thanh quản cũng trở nên khó chịu hơn. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong khi ngủ sẽ ngăn điều này xảy ra và giúp bạn cải thiện giọng nói tốt hơn.
- Tránh khói thuốc lá: Hút thuốc gây kích ứng cổ họng và nicotine trong khói thuốc làm chậm quá trình làm lành vết thương. Vậy nên, hãy bỏ thuốc lá nếu bạn không muốn tình trạng khản tiếng mất giọng diễn ra lâu hơn.
- Bỏ thói quen xấu: Khản tiếng khiến bạn luôn muốn đằng hắng giọng, khạc nhổ để không khí thoát ra dễ dàng hơn. Nhưng chính hành động này lại vô tình gây kích thích cho dây thanh quản và ảnh hưởng đến giọng nói.
Uống nước giúp làm loãng niêm mạc họng và thanh quản, giảm khản tiếng
Điều trị mất tiếng kéo dài
Nếu tình trạng khản tiếng mất giọng kéo dài hơn 2 -3 tuần, bạn hãy đến gặp chuyên gia để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để làm giảm triệu chứng hoặc tiến hành một số thủ thuật chuyên biệt.
Dùng thuốc làm giảm triệu chứng
Các loại thuốc tân dược thường được sử dụng cho người bị mất tiếng chủ yếu là nhóm giảm đau, chống viêm kết hợp một số thuốc khác.
- Thuốc giảm đau thông thường: Thuốc làm dịu niêm mạc họng và thanh quản giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Paracetamol là lựa chọn hàng đầu dành cho bạn.
- Thuốc chống viêm không steroid: Ibuprofen, naproxen có thể giúp giảm sưng và viêm ở dây thanh.
- Các thuốc khác: Kháng sinh, thuốc tiêu đờm, thuốc chống trào ngược...
Điều trị nguyên nhân bệnh lý
Trong trường hợp thuốc không đáp ứng với các yêu cầu điều trị thì khả năng cao tình trạng khàn tiếng mất giọng của bạn đến từ những bệnh lý bên trong. Bác sĩ có thể nội soi thanh quản hoặc thực hiện các phương pháp khác nhau để chẩn đoán nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tương ứng. Nếu có sự xuất hiện của hạt xơ, polyp hay u nang, phẫu thuật sẽ được tiến hành để loại bỏ chúng.
Sử dụng các thảo dược tự nhiên
Bên cạnh các loại thuốc điều trị tây y kết hợp thay đổi lối sống, bạn cũng có thể dùng thêm những thảo dược tự nhiên đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong việc cải thiện khàn tiếng mất giọng, chẳng hạn: Rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng.
Rẻ quạt - một dược liệu từ lâu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và khẳng định hiệu quả trong điều trị các bệnh về họng, amidan. Theo sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập II: Cao rẻ quạt (còn gọi xạ can) được coi là một vị thuốc quý chữa các bệnh về họng, viêm amidan có mủ, ho nhiều đờm, khản tiếng. Thân rễ rẻ quạt được nghiên cứu lâm sàng trên nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ em và viêm họng, viêm thanh quản ở người lớn có kết quả điều trị tốt ở 85% bệnh nhân viêm họng, viêm thanh quản,...
Việc sử dụng thảo dược không chỉ giúp làm giảm khản tiếng mất giọng an toàn hơn, mà còn hạn chế được tác dụng phụ của các phương pháp điều trị khác. Đồng thời, những biện pháp này còn giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm thanh quản, viêm họng... hiệu quả.
Rẻ quạt giúp cải thiện khản giọng mất tiếng hiệu quả, an toàn
Cách phòng ngừa khản tiếng, mất giọng
Để phòng tránh khản tiếng, mất giọng, điều quan trọng là bạn cần giữ giọng nói của mình hoạt động một cách ổn định nhất. Một vài lưu ý sau đây cũng sẽ giúp bảo vệ dây thanh âm của bạn:
- Tránh nói to, hét lớn trong thời gian dài.
- Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, giảm khả năng mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
- Uống nước chanh và mật ong ấm vào buổi sáng để tăng khả năng miễn dịch.
- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị mất giọng nên việc khắc phục là một quá trình cần xem xét. Do đó, ngay khi thấy giọng nói của mình có sự thay đổi bất thường, bạn nên xử lý sớm để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến giao tiếp, công việc.
Nguồn:
https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/why-am-i-losing-my-voice
https://www.healthline.com/health/how-to-get-your-voice-back#home-remedies
https://www.winchesterhospital.org/health-library/article?id=432303
https://entorlando.com/what-causes-me-to-lose-my-voice/