Bình thường dây thanh của chúng ta tạo thành một lỗ hình chữ V cho phép không khí đi qua làm cho dây thanh rung động tạo nên âm thanh. Khi có bất thường ở dây thanh âm làm cho dây thanh khép không kín hoặc rung động không đều gây nên tình trạng khản tiếng, mất tiếng,… Tùy theo kích thước của hạt xơ mà người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng khản tiếng nhiều hay ít.

Hình dạng hạt xơ dây thanh như thế nào ?

Hạt xơ dây thanh là tình trạng dây thanh bị tổn thương dạng khối nhỏ, thường mọc cả 2 dây thanh và đối xứng nhau, vị trí tổn thương thường nằm 1/3 giữa dây thanh. Kích thước 2 hạt xơ tương đương nhau và rất đa dạng tùy thuộc vào từng bệnh nhân khác nhau, hạt xơ thường có chân rộng, gắn trên mép dây thanh và có màu tương tự với màu của mép dây thanh. 

Nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng giọng nói, phát âm sai hoặc sử dụng giọng nói quá mức trong thời gian dài. Hạt xơ dây thanh thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới, thường gặp ở những người có nghề nghiệp phải nói nhiều như giáo viên, dẫn chương trình, ca sĩ,…

Triệu chứng của hạt xơ dây thanh

-        Khản tiếng: lúc đầu chỉ xuất hiện khi nói nhiều, sau xuất hiện thường xuyên hơn.

-         Giọng nói thô, phát âm khó, nhanh mệt khi nói.

-         Soi thanh quản thì thấy 1/3 dưới hay 2/3 sau của dây thanh ở bờ trong có nhú lên hạt nhỏ, đối xứng nhau màu trắng.

Điều trị hạt xơ dây thanh như thế nào?

Phần lớn các trường hợp hạt xơ dây thanh đều không phải là bệnh lý ác tính. Tuy nhiên khi có hiện tượng khản tiếng kéo dài thì cần đến các cơ sở y tế để khám và phát hiện sớm tình trạng bệnh và có hướng xử trí sớm, hiệu quả. Việc đầu tiên cần làm đó là tạm ngừng nói trong thời gian điều trị, dành thời gian cho dây thanh nghỉ ngơi, làm giảm tác động lên dây thanh, giảm phù nề, làm cho hạt xơ teo bớt đi nhưng thường thì chứng khản tiếng vẫn không rút lui hẳn. Điều trị bằng thuốc có thể làm giảm viêm, giảm phù nề nhưng không thể điều trị dứt điểm tình trạng khản tiếng do hạt xơ dây thanh. Muốn điều trị dứt điểm tình trạng khản tiếng cần được phẫu thuật cắt bỏ hạt xơ, nhưng nếu không có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ thanh quản thì hạt xơ dây thanh vẫn có thể tái phát.

Do vậy, người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa tránh tái phát hạt xơ dây thanh bằng cách luyện âm giúp người bệnh nhận ra cách phát âm sai, giảm bớt tác động lên dây thanh khi nói, giảm tối đa tổn thương cho dây thanh, từ đó giúp cho dây thanh mềm mại hơn, âm thanh trong trẻo hơn. Đối với những người thường xuyên phải nói nhiều thì nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như micro, loa,…súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày…