Viêm họng cấp ở trẻ em là một bệnh lý đường hô hấp trên rất phổ biến và dễ tái phát, nhất là ở những bé có sức đề kháng kém. Vậy làm cách nào để phòng ngừa viêm họng cấp ở trẻ? Mời bạn theo dõi trong bài viết này!

Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ em

Viêm họng cấp xảy ra khi các mô, cấu trúc trong vòm họng của trẻ bị viêm. Nguyên nhân chủ yếu do phế cầu, liên cầu hoặc virus cúm, sởi,… gây ra. Trẻ cũng có thể mắc viêm họng cấp vì bị lây từ người khác. Đặc biệt, ở môi trường đông người, virus, vi khuẩn sẽ dễ dàng lây lan trong không khí khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc trò chuyện,...

Ngoài ra, các tác nhân từ môi trường bên ngoài cũng có thể hiến trẻ bị viêm họng cấp. Cụ thể như:

- Thời tiết thay đổi thất thường, quá nóng hoặc lạnh khiến virus, vi khuẩn có cơ hội phát triển, sức đề kháng của cơ thể kém là điều kiện lý tưởng để chúng xâm nhập và tấn công.

- Môi trường sống ô nhiễm: Viêm họng cấp có thể hình thành do khói bụi, chất độc hóa học, khói xăng xe,… Tất cả những yếu tố này có thể ẩn chứa hoặc tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập qua đường thở.

- Khói thuốc lá: Nicotin trong khói thuốc lá có thể đốt cháy và làm tổn thương niêm mạc họng. Hơn thế, trẻ em lại là đối tượng khá mẫn cảm, chính vì vậy dễ mắc viêm họng cấp khi hít phải khói thuốc.

- Ngoài ra, viêm họng cấp cũng có thể bắt nguồn do một số bệnh lý có tính viêm nhiễm lân cận, liên quan đến đường hô hấp hoặc tiêu hóa như: Viêm amidan, trào ngược axit dạ dày - thực quản,...

Tại sao sức đề kháng kém khiến viêm họng cấp dễ tái phát?

Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ, là “vũ khí” giúp bé kháng lại các virus, vi khuẩn và một số tác nhân gây bệnh khác. Những vi sinh vật có hại gây viêm họng cấp có mặt ở khắp mọi nơi như: Trong nhà, lớp học, công viên,... nên một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ bảo vệ trẻ khỏi bị bệnh bằng cách tạo ra một rào cản ngăn chặn chúng xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, với trẻ có sức đề kháng kém, đặc biệt là những bé sinh non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, các tế bào miễn dịch, kháng thể hoạt động kém hơn, cũng như không đủ khả năng chống chọi với những tác nhân gây bệnh luôn là đối tượng dễ bị tấn công, đồng nghĩa viêm họng cấp tái phát liên tục. 

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chủng virus, vi khuẩn gây viêm họng cấp. Khi miễn dịch kém, trẻ có thể vừa bị tấn công bởi virus này lại nhiễm tiếp loại khác. Ngoài ra, thực trạng lạm dụng kháng sinh, dùng thuốc vô tội vạ khiến hiện tượng kháng kháng sinh diễn biến ngày càng phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Hơn thế, dùng kháng sinh kéo dài còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá, vô tình tiêu diệt hết các lợi khuẩn trong đường ruột, khiến sức đề kháng ngày càng suy yếu. Từ đó, vi khuẩn, virus tiếp tục phát triển, ngày càng khó đối phó, ngay khi có cơ hội sẽ tấn công trẻ và gây ra viêm họng cấp.

Đặc biệt, diễn biến thời tiết phức tạp, ô nhiễm môi trường gia tăng, dịch cúm đang ở mức báo động,... là những yếu tố nguy cơ khác khiến viêm họng cấp ở trẻ liên tục xuất hiện.

Chính vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ để hỗ trợ điều trị, phòng bệnh tái phát trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.