Vách ngăn mũi là tấm vách được cấu tạo bằng sụn ở phía trước và phần xương ở phía sau chiều dài xấp xỉ ngón tay chỏ của bạn. Vẹo (lệch) vách ngăn mũi là do sự phát triển không đều giữa vách ngăn và khung xương mũi hoặc do chấn thương.
Vách ngăn mũi nằm ở đâu?
Vách ngăn mũi là tấm vách được cấu tạo bằng sụn ở phía trước và phần xương ở phía sau chiều dài xấp xỉ ngón tay chỏ của bạn. Nếu bạn dùng ngón chỏ và ngón cái thò sâu vào 2 lỗ mũi thì phần bạn cảm thấy giữa 2 ngón tay đó chính là phần sụn của vách ngăn.
Tại sao vách ngăn mũi bị vẹo?
Vẹo vách ngăn mũi được giải thích là do sự phát triển không đều giữa vách ngăn và khung xương của nó: nghĩa là vòm mũi và đáy hốc mũi, chúng ta hình dung vách ngăn bức tranh còn khung xuống là khung bức tranh nếu bức tranh lớn hơn khung tranh thì sẽ làm cho bức tranh bị vẹo.
Nguyên nhân thứ hai gây vẹo vách ngăn mũi là do chấn thương, chúng ta đã biết mũi là phần nhô cao nhất của mặt mà đa số các chấn thương mũi đều dồn xuống vách ngăn, phải chăng tạo hóa đã khôn ngoan khi cấu tạo phần trước của vách ngăn không phải bằng xương mà bằng sụn (mềm dẻo hơn xương) để giảm đi những tổn thương khi có những tác động mạnh lên mũi.
Triệu chứng của vẹo vách ngăn là gì?
Vẹo vách ngăn mũi là một trong những nguyên nhân của ngạt mũi, chảy máu mũi tái phát, viêm xoang có khi đau nửa đầu. Nó cũng là một trong những nguyên nhân xuất tiết ở mũi sau làm bệnh nhân phải khạc nhổ. Người bệnh thấy ngạt một bên, tuy nhiên ngạt có thể từng lúc và đau thường gặp sau cảm cúm kéo dài, đau sâu ở giữa hai hố mắt, lan về phía sau đầu (vùng chẩm) thường đau nửa bên đầu, nhưng cũng có khi đau cả hai bên. Đau âm ỉ suốt ngày, đến tối đi ngủ thì quên đau, sáng thức dậy đau trở lại. Những hôm trời nóng hoặc lạnh nhiều, hoặc lúc thấy kinh nguyệt, cơn đau tăng lên. Nếu nằm nghiêng về phía mũi không ngạt thì đau đầu sẽ giảm đi. Trường hợp đặc biệt vẹo kiểu hình chữ S làm ngạt mũi cả hai bên thì giảm khả năng ngửi.
Vẹo vách ngăn được điều trị như thế nào?
Tùy theo từng trường hợp mà hướng điều trị sẽ khác nhau, chứ không phải hễ vẹo vách ngăn là phải phẫu thuật. Phần lớn các trường hợp vẹo vách ngăn được cơ thể thích nghi, trường hợp vẹo nặng thì cần phẫu thuật.
Nếu bị vẹo ở mức độ nhẹ, ít gây ra những triệu chứng, thì bác sĩ chuyên khoa chỉ cần chỉnh, nắn vách ngăn lại tí xíu, không phải phẫu thuật. Nếu vẹo nhiều, gây ra những triệu chứng nặng, kéo dài, khi đó mới cần thiết phẫu thuật (theo phương pháp cổ điển, hoặc theo phương pháp nội soi) để chỉnh hình vách ngăn. Khi chỉnh hình vách ngăn, có thể bác sĩ sẽ cắt, gọt một phần, nhưng cũng có thể cắt toàn bộ vách ngăn, tùy trường hợp.
Tuy nhiên, vẹo vách ngăn sẽ trở nên phiền phức nếu phù nề cuống mũi kéo dài. Người bệnh cần chú ý tránh ngạt mũi bằng cách không hút thuốc lá, rượu bia, đeo khẩu trang khi đi đường, không lạm dụng thuốc nhỏ mũi.
Trường hợp bệnh của bạn nên đến điều trị ở chuyên khoa tai mũi họng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi chỉnh sửa vách ngăn. Đây là phẫu thuật không lớn và không để lại sẹo.