Viêm thanh quản là một bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến ở trẻ. Tình trạng này rất dễ tái phát, đặc biệt là ở bé có sức đề kháng kém, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ trẻ. Vậy phụ huynh phải làm gì để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, phòng tránh viêm thanh quản tái phát hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây!
Viêm thanh quản là gì?
Viêm thanh quản là tình trạng các dây thanh âm bị sưng, viêm. Các dây thanh âm có chức năng rung động tạo thành giọng nói nên khi viêm sẽ khiến người bệnh bị khản tiếng, mất tiếng. Ngoài ra, viêm thanh quản cũng gây ra một số triệu chứng khác như: Sốt, đau rát họng, ho khan, ho có đờm,...
Viêm thanh quản gồm 2 dạng: Cấp và mạn tính. Trong đó, viêm thanh quản cấp phổ biến hơn ở trẻ em. Viêm thanh quản chủ yếu do virus, vi khuẩn gây ra hoặc trẻ quấy khóc, la hét quá nhiều, khiến cho dây thanh âm bị kích thích, tổn thương, từ đó dẫn đến sưng, viêm. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể tác động và gây ra tình trạng này là:
- Trẻ bị dị ứng với khói thuốc lá, hóa chất,... gây kích thích dây thanh âm.
- Một số loại vi khuẩn tấn công hệ thống hô hấp trên của trẻ, có thể khiến dây thanh âm bị nhiễm trùng.
- Trẻ sinh hoạt trong môi trường có sử dụng máy điều hoà, thiếu độ ẩm không khí khiến niêm mạc họng, thanh quản khô, bị kích ứng dẫn đến hiện tượng viêm.
- Tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản có thể kích thích dây thanh âm, gây viêm thanh quản.
Thông thường, viêm thanh quản sẽ cải thiện dần sau 5 - 7 ngày nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bệnh này thường gây ra những triệu chứng khó chịu, và tiềm ẩn biến chứng rủi ro cho sức khỏe trẻ như: Viêm tai giữa, viêm phổi,... nên các bậc phụ huynh cần sớm có biện pháp đối phó với bệnh.
Bên cạnh đó, viêm thanh quản cũng rất dễ tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như sinh hoạt, học tập của bé. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn đề này?
Sức đề kháng kém là nguyên nhân khiến viêm thanh quản tái phát nhiều lần
Có thể thấy, viêm thanh quản dễ tái phát, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của trẻ. Đặc biệt, ở trẻ có sức đề kháng yếu thì tình trạng này càng trở nên đáng báo động hơn. Điều này được giải thích như sau:
Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng, là “vũ khí” giúp bé kháng lại các virus, vi khuẩn cùng một số tác nhân gây bệnh khác, và chỉ hoạt động tốt khi trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hệ miễn dịch hoàn thiện cũng giúp giảm nhẹ mức độ và thời gian kéo dài của các triệu chứng, hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng khi trẻ mắc bệnh. Do đó, bất cứ khi nào, trẻ có sức đề kháng tốt sẽ ít mắc bệnh, thuận lợi để phát triển về mọi mặt.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chủng virus, vi khuẩn gây viêm thanh quản. Khi sức đề kháng kém, trẻ có thể vừa bị tấn công bởi virus này lại nhiễm tiếp loại khác. Không chỉ vậy, trẻ đang ở lứa tuổi vô cùng hiếu động và nghịch ngợm, lại chưa tự ý thức được việc cần bảo vệ sức khỏe, do đó thường xuyên la hét, quấy khóc dẫn tới tổn thương tại thanh quản. Ngoài ra, thực trạng lạm dụng kháng sinh, dùng thuốc vô tội vạ khiến hiện tượng kháng kháng sinh diễn biến ngày càng phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Lúc này, vi khuẩn, virus sẽ khó bị tiêu diệt và phát triển nhiều chúng mới. Hơn thế, dùng kháng sinh kéo dài còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá, vô tình tiêu diệt hết các lợi khuẩn trong đường ruột, khiến sức đề kháng ngày càng suy yếu. Từ đó, vi khuẩn, virus tiếp tục phát triển, ngày càng khó đối phó, ngay khi có cơ hội sẽ tấn công trẻ và gây ra viêm thanh quản.
Chính vì vậy, việc giúp trẻ nâng cao sức đề kháng chính là “nhiệm vụ” cần thiết của các bậc phụ huynh, nhằm phòng tránh viêm thanh quản nói riêng và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên nói chung hiệu quả.
Phải làm gì để tăng cường sức đề kháng, phòng tránh viêm thanh quản tái phát ở trẻ?
Như vậy, sức đề kháng khỏe mạnh là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh viêm thanh quản tái phát ở trẻ. Do đó, cha mẹ cần tìm được cách giúp trẻ tăng cường sức đề kháng hiệu quả và an toàn. Dưới đây là một số gợi ý cho các bậc phụ huynh:
- Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, đầu trẻ; Không nên cho bé uống nước lạnh; Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá; Nếu cho bé đi ngoài đường cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng để hạn chế hít phải khói bụi, chất độc hại.
- Cần vệ sinh họng, miệng cho trẻ hàng ngày bằng hình thức đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt nhất giúp trẻ tạo thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% trước khi đánh răng.
- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường vận động, ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe toàn trạng, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh hiệu quả.
- Ngoài ra, bạn cũng không nên cho trẻ đến những nơi đông người, nhất là khi có dịch bệnh truyền nhiễm; Tránh để bé tiếp xúc với người đang mắc bệnh nhằm hạn chế nguy cơ bị lây bệnh.