Họng là một ống nằm sâu trong miệng, dẫn thức ăn và hơi thở, góp phần phát ra tiếng nói, được chia ra thành họng trên (vòm họng), họng giữa ngang miệng và họng dưới thấp nhất. Họng trên, phần cao nhất nằm sau hốc mũi, thường gọi là vòm họng.
Ban đầu, ung thư vòm họng thường im lìm. Lớn nhiều thì mới trổ đủ chuyện, các triệu chứng thì lập lờ vì ở vị trí hóc hiểm, chẳng hạn nghẹt mũi và chảy máu mũi một bên do ung thư bít phía sau hốc mũi, thấy ù tai hoặc không nghe rõ do chèn nghẹt vòi Eustache, nhức đầu, sụp mí, mắt lé do bệnh ăn vào đáy sọ làm liệt các thần kinh sọ. Cần nên cảnh giác hạch ở hai bên cổ, thường có khá lâu (vài tháng) ở người trên 40 tuổi đi với nhức đầu, nghẹt mũi hoặc ù tai (do hạch cỡ hột mít chỉ ê ê thôi nên ai cũng dễ ơ hờ).
Nhiều người thường chạy khám lung tung: bác sĩ thần kinh, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ ung bướu… Nếu bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh này thì thường cho nội soi vòm họng: ống mềm đầu có gắn camera đưa qua miệng, xem thấy cả vòm họng. Nếu gây tê tại chỗ, ống soi mềm mại sẽ không làm đau. Khi thấy chỗ nghi ngờ thì cắt lấy một mẫu mô làm sinh thiết định bệnh. Chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI), giúp đánh giá mức lan rộng của ung thư rồi xếp giai đoạn gồm I, II, III và IV. Kết quả điều trị tùy thuộc mức độ xâm lấn và lan tràn của bệnh, nghĩa là tùy thuộc vào giai đoạn. Do vị trí đặc biệt của vòm họng, lúc đầu ung thư không có triệu chứng, bệnh trổ ra thì phần lớn ở vào GĐ III và IV.
Kế hoạch điều trị dựa trên giai đoạn của ung thư, tổng trạng của người bệnh và các tác dụng phụ. Xạ trị là chủ yếu, có thể kết hợp với hóa trị. Rất mừng các máy xạ trị hiện đại nay đã có sẵn giúp điều trị tốt loại ung thư này. Các thuốc mới hiệu quả có thể tăng thêm kết quả tốt khi điều trị. Chất lượng xạ trị tốt, đủ trị tốt các ung thư nhỏ, khi cần thì phối hợp thêm với hóa trị. Kết hợp với thuốc đặc trị hiệu quả và phát hiện sớm hơn, kết quả điều trị tốt có thể đưa lên mức 60 - 70%.
Lưu tâm phòng tránh. Có loại virút EBV nhiễm lâu không gây xáo trộn gì, nhưng thói quen ăn cá khô muối mặn (chứa chất nitrôsamin) từ tuổi nhỏ thúc đẩy virút gây ung thư. Các yếu tố khác có thể “cộng tác” với virút như: tiếp xúc chất benzopyren, khói công nghiệp, hóa chất bốc hơi như formol, viêm vòm họng mạn tính do thuốc lá, rượu…
Tránh ăn hoài, lún sâu vào các loại cá khô và thức ăn muối mặn. Đừng để viêm họng thành mạn tính do khói thuốc lá, rượu. Tránh phơi nhiễm các chất độc hại do nghề nghiệp. Điều chỉnh các thói quen từ xa, thì tránh được căn bệnh gần.