Viêm amidan cấp là một bệnh lý đường hô hấp trên gây ra các triệu chứng không chỉ đau đớn mà còn khó chịu. Vậy trẻ bị viêm amidan cấp gây sốt cao có nguy hiểm không? Mời bạn tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm amidan cấp?

Amidan nằm ở phía cuối cuống họng, giữ vai trò quan trọng là ngăn chặn các tác nhân gây nhiễm trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua hoạt động miễn dịch. Viêm amidan cấp là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh thường khởi phát đột ngột với cảm giác rét run, sau đó sốt 38 – 39 độ C, cùng các biểu hiện khác như: Mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn,... Trẻ cũng có thể gặp triệu chứng: Nuốt đau, vướng, khô rát và nóng họng, đặc biệt ở vị trí amidan, thậm chí đau nhói lên tai, ho từng cơn, đờm nhầy, khản tiếng và đau tức ngực.

Những nguyên nhân gây viêm amidan cấp ở trẻ em phổ biến nhất là do virs (cúm, ho gà, sởi…), vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu,...) hoặc cũng có thể bệnh hình thành do tác động bởi các yếu tố như: Thời tiết thay đổi thất thường, môi trường ô nhiễm, vệ sinh răng miệng kém,...

Trẻ bị sốt cao do viêm amidan có thể dẫn đến những biến chứng gì?

Nhiệt độ cơ thể trẻ bình thường là 37 - 37,5 độ C và khi con số này tăng trên 38 độ C thì được gọi là sốt. Đa phần, sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị nhiễm trùng – nhất là trường hợp cấp tính. Triệu chứng sốt cao là hệ quả do nhiễm trùng amidan gây ra.

Theo ước tính của các chuyên gia, triệu chứng sốt do viêm amidan cấp chỉ kéo dài trong khoảng 1 – 4 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, trẻ có thể sốt cao kéo dài tới 5 - 7 ngày. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm và dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, biểu hiện cho việc nhiễm trùng đã ở mức nặng như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm cầu thận, thấp khớp tim,... Bên cạnh đó, nếu trẻ sốt cao trên 39 - 40 độ C thì có thể dẫn đến co giật, mất ý thức và ngất xỉu,… nếu không tìm cách hạ nhiệt ngay, để nhịp tim tăng quá nhanh thì sẽ gây ra các biến chứng về hô hấp và tim mạch, rối loạn đông máu, di chứng thần kinh, vận động,… thậm chí trẻ có thể tử vong do suy đa cơ quan.

Chính vì vậy, bạn cần cập nhật tình hình sức khoẻ của trẻ thường xuyên bằng cách đo nhiệt kế, theo dõi những biểu hiện như: Mặt đỏ, toát mồ hôi, ngủ li bì,... Nếu thấy trẻ bị sốt dưới 38,5 độ C thì chỉ cần dùng khăn bông mềm, thấm nước ấm và vắt khô. Sau đó, bạn dùng khăn này để lau vào nách, trán, bẹn của trẻ. Khi bé hạ sốt, ra mồ hôi thì phải lau khô người và thay quần áo mới cho trẻ để tránh cơ thể bị nhiễm lạnh. Còn nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể dùng miếng dán hoặc thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng quy định để cho bé sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ, vì có thể khiến bé gặp hội chứng Reye - gây phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan,... với triệu chứng thở nhanh và lượng đường trong máu thấp, nôn dữ dội, thậm chí có thể khiến trẻ bị co giật hoặc hôn mê. Nếu không được cứu chữa kịp thời, trẻ sẽ tử vong sau vài giờ.