Muốn ngăn ngừa viêm thanh quản trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu xem viêm thanh quản là bệnh gì ?

Viêm thanh quản thường gặp ở những người làm nghề phải nói nhiều, nói to (giáo viên, ca sĩ, diễn giả, phát thanh viên, bán hàng,…) hoặc nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng... Khi thời tiết lạnh, chuyển mùa, môi trường ô nhiễm,… là những điều kiện lý tưởng để viêm thanh quản phát triển.

Viêm thanh có thể gặp ở mọi thời điểm trong năm, nhưng hay gặp nhất vào thời điểm giao mùa. Ban đầu người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt, sau đó đau họng, cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho. Tiếp đến, giọng nói bị khản, đôi khi khản đặc, thậm chí mất tiếng. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ lan xuống gây viêm khí - phế quản và chuyển sang dạng mạn tính, kéo dài và rất dễ tái phát, ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân.

 Nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản có thể kể đến như: nhiễm virus (sau đợt cảm lạnh, cúm, viêm phổi), nhiễm vi khuẩn (bạch hầu), ngoài ra, có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm thanh quản như hút thuốc lá, uống rượu, môi trường ô nhiễm, nói quá nhiều, quá to, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi, viêm xoang… Do vậy, để phòng bệnh viêm thanh quản tốt, chúng ta cần chú ý những điểm sau:

- Hạn chế nói nhiều, la hét quá mức. Nếu công việc yêu cầu phải nói nhiều nên điều chỉnh âm lượng và phân bố thời gian nói hợp lý, có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nói như micro, loa,..

- Điều trị triệt để các bệnh là nguy cơ của viêm thanh quản (nếu có) như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản,…

- Đeo khẩu trang tránh lạnh, bụi bẩn và các chất độc hại khi ra đường hoặc khi làm việc trong môi trường ô nhiễm.

- Không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá do người khác hút. Khói thuốc làm khô họng và gây kích ứng dây thanh âm.

- Uống nhiều nước, nên uống nước ấm. Nước giúp giữ cho niêm mạc thanh quản được trơn nhẵn và sạch.

- Hạn chế rượu và cà phê để đề phòng khô họng.

- Tránh ho khạc, động tác này khiến dây thanh âm rung bất thường và có thể làm tăng phù nề. Khạc nhổ còn làm cho họng tiết nhiều chất nhầy hơn và bị kích ứng.

Đối với bệnh nhân viêm thanh quản, vấn đề trong điều trị chủ yếu là cố gắng giảm nói để dây thanh âm nghỉ ngơi, tránh dùng chất gây kích thích, có thể xông mũi họng bằng hơi ấm hay dầu gió xanh,… Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số thuốc như: thuốc giảm ho, giảm xuất tiết, hạ sốt, chống viêm,… Tuy nhiên, đây là bệnh dễ tái phát, các thuốc tây chỉ giúp loại bỏ triệu chứng mà không có tác dụng điều trị lâu dài và phòng bệnh tái phát. Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài những thuốc này có thể gây nên một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận,…