Vào mùa lạnh, khi không khí khô, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật có hại tấn công cơ thể con người. Đặc biệt, bệnh viêm họng cấp ở trẻ là tình trạng rất phổ biến, gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé. Vậy cha mẹ cần làm gì phòng tránh bệnh hiệu quả? Mời bạn theo dõi trong bài viết này!

Viêm họng cấp ở trẻ là gì?

Viêm họng cấp là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, gây sưng ở phần yết hầu dẫn đến các triệu chứng như: Sốt, đau rát họng, ho có đờm, khản tiếng,... Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ, tiêu biểu như:

- Virus, vi khuẩn: Phần lớn các trường hợp trẻ bị viêm họng cấp là do virus cúm, virus adeno, virus rhino, virus sởi, virus đường thở,… còn lại là do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu, H.influenzae và nguy hiểm nhất là liên cầu tán huyết.

- Thời tiết thay đổi thất thường, quá nóng hoặc lạnh khiến virus, vi khuẩn có cơ hội để phát triển, trong khi đó, sức đề kháng của cơ thể trẻ lại còn non nớt là điều kiện lý tưởng để chúng xâm nhập và tấn công.

- Môi trường sống ô nhiễm: Viêm họng cấp ở trẻ cũng có thể hình thành do tiếp xúc với khói bụi, chất độc hóa học, khói xăng xe,… Bởi tất cả những yếu tố này có thể ẩn chứa hoặc tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập qua đường thở, bám vào niêm mạc họng và gây viêm.

- Hít phải khói thuốc lá: Nicotine trong khói thuốc lá có thể đốt cháy và làm tổn thương niêm mạc họng. Trẻ có thể tiếp xúc với khói thuốc nếu trong gia đình, người thân thường xuyên hút thuốc lá bên cạnh bé.

- Ngoài những nguyên nhân gây ra viêm họng ở trẻ kể trên thì tình trạng này cũng có thể bắt nguồn do các bệnh lý khác như: Viêm amidan, trào ngược axit dạ dày - thực quản,...

Cảnh báo viêm họng cấp ở trẻ dễ bùng phát trong mùa lạnh

Là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí nên mọi điều kiện bất lợi của môi trường như khí thải, bụi bẩn, virus, vi khuẩn,… đều có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp trên. Do đó, trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm như hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc viêm họng cấp (một trong các bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến) ngày càng tăng.

Hơn thế, bệnh dễ tái phát nhiều lần và phổ biến hơn vào mùa lạnh, không khí khô hanh. Lý do là bởi, khi vào mùa lạnh, sức đề kháng của cơ thể trẻ thường suy giảm, phản ứng tiết dịch nhiều, nên virus và vi khuẩn dễ dàng bám dính tại niêm mạc họng để gây bệnh. Trong khi đó, hệ miễn dịch của bé lại chưa hoàn thiện, trẻ thường xuyên la hét, quấy khóc nên dễ bị viêm họng cấp hơn do mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, ở độ tuổi hiếu động nên trẻ thường đùa nghịch, dẫn đến cơ thể toát mồ hôi. Trong khi đó, vì nhiệt độ thấp nên cha mẹ có thói quen mặc quá nhiều áo, mồ hôi không thoát ra ngoài mà thấm ngược vào trong khiến bé bị cảm lạnh, từ đó rất dễ tiến triển thành viêm họng cấp.

Cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa viêm họng cấp ở trẻ trong mùa lạnh

Như đã khẳng định ở trên, viêm họng cấp ở trẻ em rất dễ tái phát trong mùa lạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ bé cũng như khiến phụ huynh lo lắng, giảm chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, viêm họng cấp tái nhiều nhiều lần có thể trở thành dạng mạn tính, với những triệu chứng dai dẳng, khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, cha mẹ nên có những biện pháp cần thiết để phòng ngừa viêm họng cấp hiệu quả. Cụ thể, một số cách cha mẹ có thể áp dụng như sau:

- Virus, vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm họng cấp ở trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên nhắc trẻ không cho tay và các đồ chơi vào miệng, đồng thời tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Không để trẻ bị nhiễm lạnh và cần lưu ý cho trẻ mặc quần áo vừa phải, không quá dày, để khi bé đùa nghịch, mồ hôi có thể thoát ra bên ngoài, phòng tránh viêm họng.

- Không tắm cho trẻ ngay sau khi bé vận động hoặc đổ nhiều mồ hôi. Điều này có thể dẫn đến viêm họng do cơ thể trẻ không kịp thích ứng khi nhiệt độ thay đổi đột ngột.

- Bàn chải đánh răng là “ổ” chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe của bé. Vì vậy, cha mẹ nên ngâm bàn chải của bé vào một cốc nước ấm có pha muối trước khi cho trẻ sử dụng. Sau khi bé đánh răng xong, phụ huynh nên khuyến khích trẻ súc miệng với nước muối ấm pha loãng. Lưu ý: Cần thay bàn chải tối thiểu 3 tháng 1 lần.

- Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tăng cường bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, kiwi,... và một số thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, bơ, ngũ cốc, các loại nấm,... để tăng sức đề kháng cho bé.

- Chú ý mang khẩu trang khi đưa trẻ đi ngoài đường, tốt nhất là khẩu trang y tế để hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi,...

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại.

- Không để trẻ tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó có viêm họng cấp để tránh bị lây.

- Tiêm phòng vắc-xin cúm cho trẻ đầy đủ, đúng quy định.