Khản tiếng, mất tiếng là tình trạng bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý đường hô hấp trên, biểu hiện rõ rệt: âm thanh có tiếng thở, căng thẳng, thô ráp, khàn khàn... Thường thì khản tiếng đi kèm với nhiều triệu chứng khác như ho, khó thở hoặc nuốt đau họng, có thể có sốt. Việc điều trị khản tiếng phụ thuộc vào nguyên nhân gây triệu chứng này là gì? Dưới đây là các nguyên nhân có thể gây khản tiếng mất tiếng thường gặp.

Nguyên nhân gây khản tiếng bao gồm những thay đổi bệnh lý từ các chất kích thích và quá trình viêm hệ hô hấp, bệnh thần kinh cơ, bệnh tâm thần, bệnh hệ thống và ung thư.

Viêm đường hô hấp trên gây khản tiếng

Viêm thanh quản cấp tính chiếm tỉ lệ lớn trong các nguyên nhân gây khản tiếng. Theo thống kê, việc lạm dụng giọng nói và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là những nguyên nhân phổ biến nhất của viêm thanh quản cấp tính, một tỉ lệ ít hơn trong những trường hợp khản tiếng do nhiễm nấm và vi khuẩn.

Bên cạnh đó, khản tiếng còn gặp ở những bệnh lý viêm thanh quản mạn tính, dị ứng đường hô hấp trên, viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản...

Ở bệnh lý viêm thanh quản mạn tính, thường có một loạt các tổn thương dây thanh quản. Do đó hãy hạn chế hút thuốc và lạm dụng giọng nói quá mức để phòng ngừa viêm thanh quản mạn tính.

Thần kinh cơ và tâm lý

Ở các bệnh lý thần kinh cơ có sự tê liệt dây thanh quản (hậu quả của phẫu thuật tuyến giáp, cổ hoặc tim mạch) cũng có thể là nguyên nhân gây khản tiếng, mất tiếng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc căng thẳng cũng gây ra một loạt các hậu quả ảnh hưởng tới giọng nói như: kiểm soát hơi thở kém, đóng cửa thanh hầu khó, trào ngược dạ dày thực quản... từ đó gây ra khản tiếng, nặng hơn có thể gây mất tiếng.

Khản tiếng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh thần kinh thoái hóa, bao gồm cả bệnh parkinson, bệnh nhược cơ, bệnh đa xơ cứng...

Bệnh hệ thống và ung thư

Khản tiếng có thể gặp ở một số bệnh lý liên quan tới rối loạn nội tiết, đặc biệt là suy giáp. Viêm khớp, chẳng hạn như bệnh thấp khớp có thể ảnh hưởng đến thanh quản và gây khản tiếng.

U thanh quản có thể xảy ra ở người lớn, cũng như ở trẻ sơ sinh và trẻ em. U có thể là lành tính hay ác tính. Ở trường hợp này, khản tiếng thường là biểu hiện đầu tiên của ung thư biểu mô tế bào vảy của thanh quản, có thể kèm thêm các triệu chứng ho, ho ra máu, đau thanh quản, khó nuốt.

Hiện nay trên thị trường có dòng sản phẩm chiết xuất từ tự nhiên có tác dụng hỗ trợ điều trị khản tiếng, mất tiếng hiệu quả và được nhiều bác sĩ và bệnh nhân tin tưởng sử dụng.