Nguyên nhân bị khan tiếng có thể xuất phát từ chính lối sống, công việc hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý. Việc xác định đúng tác nhân gây khan tiếng không chỉ giúp cải thiện giọng nói nhanh hơn, mà còn dự phòng tái phát hiệu quả. Do đó, bạn cần xem xét toàn bộ lý do đằng sau việc giọng nói của mình bị biến đổi để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Những nguyên nhân làm bạn bị khàn giọng tạm thời
Nguyên nhân gây khàn giọng tạm thời thường đến từ những yếu tố khách quan và có thể kiểm soát được. Nếu đột nhiên bạn bị khan tiếng mất giọng, điều này có thể do:
Lạm dụng giọng nói quá nhiều
Việc nói to, nói quá nhiều, la hét… khiến 2 dây thanh âm phải hoạt động liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi là yếu tố hàng đầu dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo: “Nếu sử dụng giọng nói liên tục trong 90 phút, bạn nên dành 10 phút để nghỉ ngơi rồi hãy nói tiếp”.
La hét có thể làm tổn thương dây thanh quản gây ra khàn tiếng
Dị ứng
Dị ứng có thể làm viêm niêm mạc mũi và gây chảy nước mũi xuống cổ họng, đồng thời kích thích dây thanh âm. Điều này không chỉ khiến bạn bị khan tiếng mà còn kèm theo ho và đau rát họng.
Hít phải các chất gây kích ứng thanh quản
Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc chính là thủ phạm hàng đầu khiến giọng nói bị biến dạng. Hút thuốc cũng có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với dây thanh quản, dẫn đến sưng tấy, làm giảm âm vực của giọng nói và gây tắc nghẽn đường thở trong những trường hợp nghiêm trọng.
Cảm lạnh
Không có gì lạ nếu nguyên nhân bị khan tiếng là do cảm lạnh. Đó là bởi khi bị cảm lạnh hoặc một loại nhiễm trùng đường hô hấp trên, virus gây hại có thể làm dây thanh âm tổn thương và sưng lên dẫn đến khan tiếng.
Nguyên nhân gây khan tiếng từ bệnh lý
Trong trường hợp khan tiếng kéo dài nhiều ngày, rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh tiềm ẩn. Nguyên nhân bị khan tiếng này chỉ được phát hiện thông qua việc khám lâm sàng kết hợp sử dụng các thủ thuật khác.
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là nguyên nhân bị khan tiếng phổ biến nhất, có thể cấp tính hoặc mạn tính. Tình trạng này mô tả việc các nếp gấp thanh quản sưng lên làm thay đổi cách mà không khí đi qua, dẫn tới khản giọng.
Dây thanh có các tổn thương
Hạt xơ, polyp, u nang… là những khối u nhú thường gặp trên các nếp gấp thanh quản. Các tổn thương này có thể cản trở quá trình đóng mở bình thường của dây thanh âm trong khi phát âm, từ đó gây ra khan tiếng mất giọng.
Khàn tiếng có thể là dấu hiệu của những tổn thương tại dây thanh
Bệnh tuyến giáp
Các tình trạng như suy giáp, cường giáp… có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp và làm giọng nói bị khàn, trầm đục. Nếu có khối u tuyến giáp, nó sẽ chèn ép vào thanh quản làm người bệnh khó nói.
Trào ngược dạ dày thực quản gây khan tiếng
Nếu bạn thường xuyên bị khàn tiếng sau khi ngủ dậy thì hãy nghĩ đến nguyên nhân là do trào ngược dạ dày. Ban đêm, acid dạ dày sẽ trào ngược lên cổ họng, gây tổn hại các mô thanh quản. Vì vậy, bạn nên thay đổi lối sống bằng cách kiểm soát trọng lượng cơ thể, cân bằng chế độ dinh dưỡng và không nên ăn trước khi đi ngủ.
Liệt dây thần kinh thanh quản
Liệt dây thanh xảy ra khi một hoặc cả hai nếp gấp thanh quản không thể mở hoặc đóng đúng cách. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do chấn thương, nhiễm trùng, đa xơ cứng, đột quỵ...
Ung thư
Ung thư thanh quản, họng, phổi, tuyến giáp hay hạch bạch huyết đều có chung triệu chứng khan tiếng và đôi khi đây chính là dấu hiệu đầu tiên. Khối u di căn đến trung thất (giữa phổi) có thể chèn ép lên dây thanh quản gây ra khàn tiếng.
Các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến giọng nói
Cùng với các nguyên nhân gây khàn giọng trực tiếp và gián tiếp kể trên, một vài yếu tố khác cũng có thể tác động đến giọng nói của bạn. Hầu hết nguyên nhân bị khan tiếng này thường bắt nguồn từ các thói quen trong cuộc sống, bao gồm:
- Cơ thể thiếu nước: Nước là thành phần quan trọng trong việc chăm sóc giọng nói. Dây thanh quản rung động hàng trăm lần mỗi giây khi bạn nói và hát. Nước giúp làm loãng chất nhầy (chất giúp bôi trơn và bảo vệ dây thanh) khi dây thanh rung động. Khi bị mất nước thì cổ họng của bạn sẽ bị khô, dễ dẫn đến đau họng, khàn tiếng.
- Căng thẳng: Căng thẳng quá mức có thể làm thay đổi hình dạng của thanh quản, khiến niêm mạc bộ phận này bị teo, ảnh hưởng đến giọng nói. Stress cũng rất dễ dẫn đến tâm trạng tức giận, la hét, nói nhiều khiến thanh quản bị viêm, sưng, gây khàn tiếng, mất tiếng.
- Nằm phòng điều hòa: Ở nhiệt độ bình thường, vi khuẩn sẽ khó có điều kiện phát triển và tấn công cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng điều hòa sẽ vô tình tạo ra môi trường lạnh và khô, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi dẫn tới khàn tiếng.
Nhiệt độ quá lạnh có thể làm khô cổ họng và kích ứng thanh quản dẫn tới khàn giọng
Chẩn đoán nguyên nhân bị khan tiếng thế nào?
Mặc dù khan tiếng không phải là tình trạng khẩn cấp nhưng nó có thể liên quan đến một số tình trạng nghiêm trọng. Nếu bạn bị khan tiếng kéo dài hơn 3 tuần hoặc gặp khó khăn khi nuốt, ho ra máu, khó thở hoặc mất giọng hoàn toàn, hãy đến gặp bác sĩ. Bạn nên thực hiện điều này càng sớm càng tốt để được chẩn đoán nguyên nhân, đặc biệt là khi chưa bị cúm hoặc cảm lạnh.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng mà bạn đang gặp phải cùng những thói quen sống như hút thuốc lá hay uống rượu để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, họ cũng có thể hỏi về chất lượng, cường độ bạn sử dụng giọng nói, cũng như tần suất và thời gian bị khàn tiếng.
Trong trường hợp nghi ngờ có các tổn thương ở họng, thanh quản, bác sĩ có thể tiến hành nội để xác định những tình trạng bất thường. Nếu không phát hiện được nguyên nhân bị khan tiếng, tùy vào nhu cầu của bệnh nhân mà có thể thực hiện thêm các xét nghiệm như sinh thiết, chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ.
Đến gặp bác sĩ nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần để xác định sớm nguyên nhân
Một số lưu ý để hết bị khan tiếng mất giọng
Tùy vào nguyên nhân bị khan tiếng mà có các lựa chọn điều trị khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là để cơ thể và giọng nói của bạn nghỉ ngơi trong vài ngày. Áp dụng những biện pháp dưới đây cũng sẽ giúp khàn tiếng nhanh chóng được cải thiện:
- Uống nhiều nước: Nước làm ẩm cổ họng và thanh quản, cũng như giảm khan tiếng, đau rát khó chịu.
- Tránh rượu, caffeine và các chất kích thích: Những chất này có thể làm khô cổ họng của bạn và làm cho tình trạng khàn giọng trở nên trầm trọng hơn.
- Bổ sung độ ẩm cho không khí bằng máy tạo ẩm: Nó có thể giúp mở đường thở và làm bạn thở dễ dàng hơn.
- Nhai kẹo cao su hoặc ngậm viên ngậm để làm ẩm cổ họng. Điều này giúp kích thích tiết nước bọt và làm dịu cổ họng của bạn.
- Hạn chế hoặc ngừng hút thuốc để giảm kích thích cho thanh âm và ngăn ngừa sự phát triển của ung thư thanh quản.
- Loại bỏ các chất gây dị ứng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với hóa chất.
- Không sử dụng thuốc thông mũi vì chúng có thể làm khô và kích ứng cổ họng.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc giảm tiết acid nếu nguyên nhân bị khan tiếng do trào ngược dạ dày.
- Sử dụng các giải pháp hỗ trợ nguồn gốc thảo dược như sản phẩm chứa thành phần chính từ rẻ quạt. Nghiên cứu cho thấy, trong thân và rễ rẻ quạt có các hợp chất tương đương như kháng sinh thực vật giúp kháng khuẩn, chống viêm và tiêu diệt virus, vi khuẩn ở đường hô hấp hiệu quả. Vì thế, rẻ quạt có khả năng giảm nhanh triệu chứng khan tiếng, đau họng và dự phòng tái phát.
Tìm kiếm các nguyên nhân bị khan tiếng sớm không chỉ giúp giọng nói phục hồi nhanh hơn mà còn hạn chế được những tổn thương khác có thể xảy ra với cổ họng và thanh quản. Hãy xem xét tất cả những lý do có thể gây khàn giọng kể trên để loại bỏ đúng tác nhân gây ra vấn đề, bạn nhé!
Nếu còn thắc mắc về chủ đề trên, bạn hãy bình luận ngay bên dưới để được chuyên gia hỗ trợ giải đáp.
Nguồn tham khảo:
https://www.medicinenet.com/hoarseness/article.htm
https://www.medicalnewstoday.com/articles/hoarse-voice#causes
https://www.verywellhealth.com/hoarseness-causes-and-treatment-2248928
https://www.enthealth.org/conditions/hoarseness/