Những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên do biến chứng cúm A phải nhập viện đang ở con số đáng báo động. Vậy cúm A là gì? Trẻ mắc viêm đường hô hấp trên do biến chứng cúm A có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Tất cả câu trả lời sẽ có trong bài viết này! Bạn hãy click xem ngay!
Bệnh cúm A là gì?
Bệnh cúm A còn được gọi là cúm mùa bởi thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi bệnh nhi ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ,... Nguy hiểm hơn, đối tượng mang virus cúm A có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 - 7 ngày, kể từ khi có triệu chứng của bệnh.
Ở trẻ em, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, ban đầu là sốt nhẹ rồi tăng dần tới 39 - 40 độ C; Trẻ cũng có biểu hiện ớn lạnh, ho, đau họng, đau tai, chảy nước mắt mũi, mệt mỏi, kém ăn, nôn, tiêu chảy,... Sau 4 - 7 ngày, các triệu chứng này sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng và kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Sức đề kháng kém khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên do cúm A
Khi trẻ mắc cúm, sức đề kháng suy giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, trong đó có viêm đường hô hấp trên.
Bên cạnh đó, sức đề kháng vốn là khả năng phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập gây bệnh cho cơ thể, được ví như “hàng rào” bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập, tấn công của virus, vi khuẩn gây hại. Chính vì vậy, nếu sức đề kháng bị suy yếu, hệ thống miễn dịch hoạt động không hiệu quả, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm A sẽ cao hơn. Trong khi đó, trẻ em vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên luôn là đối tượng chính dễ bị tấn công và lây nhiễm cúm A.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch cũng sinh ra các kháng nguyên để tiêu diệt virus, vi khuẩn khi đã xâm nhập vào cơ thể, ngăn chúng phát triển thêm và giảm các triệu chứng, từ đó phòng ngừa biến chứng. Do đó, sức đề kháng kém sẽ đồng nghĩa với nguy cơ gặp biến chứng, đặc biệt là viêm đường hô hấp trên ở trẻ cũng cao hơn.
Do đó, tăng cường sức đề kháng không chỉ giúp trẻ hạn chế nguy cơ lây nhiễm cúm mà còn làm giảm nhẹ mức độ các triệu chứng và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm khác.
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ có nguy hiểm không?
Viêm đường hô hấp trên được coi là biến chứng phổ biến nhất của cúm A, nhất là khi trẻ vốn có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy yếu. Viêm đường hô hấp trên là hiện tượng sưng nề niêm mạc của một hoặc nhiều bộ phận tại đây. Vì vậy, tình trạng này là tổ hợp các bệnh như: Viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan,... với triệu chứng dễ nhận biết như: Sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khản tiếng,... Tình trạng này tuy không quá nguy hiểm song điều đáng lo ngại là khó chữa khỏi hoàn toàn, dễ tái phát và có thể chuyển sang viêm đường hô hấp trên mạn tính với các triệu chứng như: Ho, đau rát họng, khản tiếng kéo dài,... ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.
Ngoài ra, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ huynh không nên chủ quan và cần có phương pháp điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ phù hợp vì bệnh có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới với những triệu chứng như: Khó thở, thở nhanh, thở rít, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, (khoảng 20 - 25% trẻ gặp biến chứng viêm phổi), tác động tiêu cực tới sức khoẻ, thậm chí là dẫn tới tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, một số biến chứng khác của viêm đường hô hấp trên có thể cực kỳ nghiêm trọng mà cha mẹ cần lưu ý bao gồm:
- Chức năng não bị suy giảm, tinh thần mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, sức khỏe giảm sút. Triệu chứng ngạt mũi khi ngủ cũng có thể gây tử vong ngay trong giấc ngủ.
- Dễ gặp các biến chứng như: Viêm hạch bạch huyết, áp - xe họng, viêm tai giữa,...
- Tắc mạch xoang hang, sốt cao, đau đầu, nhiễm trùng ổ mắt, viêm não, thị lực giảm,…
- Biến chứng nặng hơn đó là tình trạng bội nhiễm kéo theo các bệnh lý khác và có thể dẫn đến tử vong như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp,… do hệ miễn dịch suy yếu nặng.
Như vậy, cúm A có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng. Sức đề kháng kém khiến trẻ dễ gặp biến chứng viêm đường hô hấp trên, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của bé. Vì vậy, cần có biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm để hạn chế hệ lụy sức khỏe nhé!