Ung thư thanh quản là một loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam. Loại ung thư này có thể phá hủy giọng nói của bạn và rất dễ lan sang các bộ phận khác nếu không điều trị sớm. Vậy nhận biết ung thư thanh quản bằng cách nào và điều trị ra sao?

Ung thư thanh quản là gì?

Ung thư thanh quản (hay ung thư dây thanh quản) là ung thư biểu mô thanh quản, chủ yếu thuộc loại ung thư tế bào vảy, xảy ra khi các mô tăng trưởng một cách mất kiểm soát và hình thành khối u. Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới và chiếm trên 90%, thường xảy ra trong độ tuổi 50 – 70. Hàng năm, tại bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khám và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân ung thư thanh quản, đứng thứ hai sau ung thư vòm họng trong chuyên khoa tai mũi họng.

Ung thư thanh quản hình thành trong các mô của thanh quản (khu vực cổ họng có chứa dây thanh âm). Thanh quản là một bộ phận của đường hô hấp trên, nằm ở phía trước vùng cổ, nối yết hầu với khí quản. Về mặt giải phẫu, thanh quản nằm ở đốt sống C2 - C6 ở người lớn và bắt đầu tại vị trí C2 - C3 ở trẻ em. Thanh quản gồm nhiều sụn được nối lại với nhau bằng các khớp, dây chằng, cơ và màng. Bộ phận này có vai trò chính là tạo ra âm thanh.

Ung-thu-thanh-quan-hinh-thanh-o-cac-mo-thanh-quan-phia-truoc-co-hong

Ung thư thanh quản hình thành ở các mô thanh quản, phía trước cổ họng

Các triệu chứng của ung thư thanh quản

Tùy vào kích thước và vị trí của khối u mà ung thư thanh quản có các triệu chứng khác nhau. Những dấu hiệu phổ biến của ung thư thanh quản gồm:

  • Thay đổi giọng nói, điển hình là khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần.
  • Ho dai dẳng không khỏi. Cơn ho mang tính kích thích, đôi khi ho thắt từng cơn. Ho nặng có thể gây khó nuốt, sặc thức ăn.
  • Khó thở thường xuất hiện cùng lúc với khàn tiếng. Ban đầu, người bệnh có thể thấy gắng sức nhưng sau đó bị khó thở nhiều hơn do khối u chèn ép vào đường thở.
  • Đau họng, khó nuốt do khối u lan ra vùng hầu họng, cơn đau có thể lan đến tai.
  • Sút cân không rõ nguyên nhân, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi.

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư thanh quản

Hiện nay, người ta vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư thanh quản là gì. Thực tế, bất kỳ tác nhân nào làm thay đổi sự tăng trưởng của tế bào biểu mô thanh quản đều có thể dẫn tới ung thư. Cụ thể, sự thay đổi trong DNA của tế bào làm quá trình tăng trưởng mất kiểm soát, cứ tiếp tục sinh sôi thay vì chết theo chương trình, dẫn tới hình thành khối u.

Mặc dù không chắc chắn lý do làm thay đổi DNA của tế bào biểu mô thanh quản nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu có những yếu tố sau đây:

- Thuốc lá, rượu: Cũng như ung thư phổi, ung thư vòm họng hay thực quản, hút thuốc lá là một trong những yếu tố quan trọng góp phần dẫn tới ung thư thanh quản. Cụ thể, có tới 98% bệnh nhân ung thư thanh quản hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá hơn 25 điếu/ngày hoặc kéo dài trên 40 năm có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 40 lần so với nhóm người không hút thuốc. Sự kết hợp giữa thuốc lá và rượu khiến nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.

- Yếu tố nghề nghiệp: Làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất độc hại như niken, acid sunfuric.

- Giới tính: Nam giới mắc ung thư thanh quản với tỷ lệ cao gấp 4 lần nữ giới.

- Tuổi tác: Tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt ở nhóm những người trên 55 tuổi.

- Dân tộc: Người Mỹ gốc Phi mắc ung thư thanh quản cao hơn người da trắng.

- Di truyền: Nếu có bố mẹ, anh chị em hoặc con cái được chẩn đoán mắc ung thư vùng đầu mặt cổ thì nguy cơ bị ung thư thanh quản của bạn cũng cao gấp 2 lần các trường hợp khác.

- Tiền sử sức khoẻ: Người đã bị tia xạ vùng trước cổ, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, viêm thanh quản mạn tính, tình trạng sừng hóa, bạch sản, u nhú của dây thanh cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư thanh quản.

- Chế độ ăn: Tiêu thụ nhiều thịt bỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán và thiếu hụt vitamin A.

Hut-thuoc-la-la-mot-trong-nhung-yeu-to-lam-tang-nguy-co-bi-ung-thu-thanh-quan

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư thanh quản

Chẩn đoán ung thư thanh quản bằng cách nào?

Chẩn đoán ung thư thanh quản gồm 2 phần là xác định bệnh ban đầu, sau phân loại giai đoạn bệnh. Điều này giúp xây dựng phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Chẩn đoán xác định ung thư thanh quản

Giống như nhiều bệnh khác, chẩn đoán ung thư thanh quản được thực hiện khi bệnh nhân gặp các triệu chứng kéo dài, chẳng hạn khàn tiếng và khó nuốt. Việc chẩn đoán được tiến hành bằng cách khai thác tiền sử bệnh, khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm (nếu cần thiết).

Hiện nay, nội soi thanh quản là phương pháp đầu tiên thường được bác sĩ lựa chọn để chẩn đoán ung thư. Trong đó, có 2 cách là nội soi gián tiếp và nội soi trực tiếp. Với nội soi thanh quản gián tiếp, bác sĩ dùng một gương nhỏ dài để quan sát thanh quản và tìm kiếm những vùng bất thường, cũng như kiểm tra dây thanh âm có rung động lạ hay không. Còn với nội soi thanh quản trực tiếp, một ống soi có gắn đèn sẽ được đặt qua mũi hoặc miệng của bệnh nhân. Biện pháp này giúp bác sĩ nhìn được toàn bộ thanh quản mà không thấy trên gương.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải chụp CT hoặc MRI vùng cổ để xác định rõ các khu vực bên trong và bước đầu biết được ung thư đã lan rộng hay chưa. Nếu có các dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để làm giải phẫu bệnh. Đây là cách duy nhất để biết khối u ở thanh quản lành tính hay ác tính.

Noi-soi-thanh-quan-giup-bac-si-quan-sat-duoc-nhung-vung-bat-thuong

Nội soi thanh quản giúp bác sĩ quan sát được những vùng bất thường

Chẩn đoán các giai đoạn của ung thư thanh quản

Khi ung thư thanh quản đã được xác định, bước tiếp theo là đánh giá giai đoạn để điều trị. Việc đánh giá đúng giai đoạn giúp bác sĩ biết mức độ lan rộng và tình trạng di căn của khối u. Theo đó, ung thư thanh quản được chia làm 5 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 0

Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ khu trú tại thanh quản. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi thành công rất cao.

Giai đoạn 1

Khối u mới hình thành ở thanh quản và chưa xâm lấn sang các tổ chức, cơ quan khác. Khối u ở vùng thượng thanh môn, thanh môn, hạ thanh môn hoặc dây thanh âm có thể di động bình thường.

Giai đoạn 2

Khối u vẫn ở thanh quản nhưng có sự thay đổi về vị trí và không di động được nữa.

Giai đoạn 3

Khối u đã lan rộng ra các khu vực lân cận như thượng thanh môn, thanh môn hoặc hạ thanh môn.

Giai đoạn 4

Khối u xâm lấn sang cơ quan khác, hạch cũng nổi lên nhiều và to hơn so với thời điểm mới xuất hiện.

Cách điều trị ung thư thanh quản

Điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào vị trí, kích thước và giai đoạn của khối u. Các biện pháp điều trị phổ biến gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.

Xạ trị ung thư thanh quản

Xạ trị là biện pháp sử dụng các chùm bức xạ năng lượng để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia X sẽ được nhắm vào khối u và các tổ chức xung quanh. Đối với bệnh nhân ung thư thanh quản, có thể dùng xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp phẫu thuật và hóa trị.

Xa-tri-la-bien-phap-su-dung-cac-chum-nang-luong-de-chieu-vao-khoi-u

Xạ trị là biện pháp sử dụng các chùm năng lượng để chiếu vào khối u

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị phổ biến cho tất cả các giai đoạn của ung thư thanh quản. Dựa vào kích thước và vị trí khối u mà bác sĩ sẽ lựa chọn cách thức phẫu thuật cho bệnh nhân, bao gồm:

  • Cắt bỏ một trong hai dây thanh âm.
  • Cắt bỏ một phần thanh quản.
  • Cắt toàn bộ thanh quản.
  • Cắt thanh quản trên thanh môn.

Đối với ung thư thanh quản giai đoạn đầu, phẫu thuật có thể loại bỏ khối u mà vẫn bảo tồn được thanh quản (giữ lại khả năng nói và nuốt). Đối với ung thư giai đoạn muộn, bác sĩ thường phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản. Sau khi loại bỏ tất cả các khối u ở thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Điều này được gọi là liệu pháp bổ trợ, giúp làm giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Hóa trị ung thư thanh quản

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ngăn tế bào ung thư phân chia nhằm hạn chế sự phát triển của nó. Người bệnh thường được hóa trị qua đường tiêm tĩnh mạch, thuốc sẽ đi vào máu và tiếp cận đến các tế bào ung thư trong khắp cơ thể.

Có nhiều cách sử dụng hóa chất trong điều trị ung thư thanh quản, ví dụ trước phẫu thuật hoặc xạ trị, sau phẫu thuật và xạ trị hay sử dụng đồng thời với xạ trị để thay thế phẫu thuật, tùy vào mục đích điều trị cũng như nhận định của bác sĩ.

Thuoc-hoa-tri-se-duoc-dung-qua-duong-tiem-tinh-mach-va-di-vao-mau-nham-tieu-diet-cac-te-bao-ung-thu

Thuốc hóa trị sẽ được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch và đi vào máu nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp dùng chính hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Các chất do cơ thể sản xuất hoặc tạo ra từ phòng thí nghiệm được sử dụng để thúc đẩy, chỉ đạo hoặc khôi phục khả năng phòng thủ tự nhiên nhằm chống lại ung thư.

Ung thư thanh quản có thể phòng ngừa không?

Mặc dù không thể ngăn ngừa ung thư thanh quản nhưng chúng ta có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện một lối sống lành mạnh như:

  • Bỏ thuốc lá và tránh các sản phẩm từ thuốc lá.
  • Uống rượu có chừng mực, hạn chế sử dụng rượu bia quá nhiều.
  • Sử dụng thiết bị bảo hộ nếu tiếp xúc với hóa chất độc hại.
  • Ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
  • Dùng các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nguồn gốc thảo dược như giải pháp chứa thành phần chính từ rẻ quạt. Nghiên cứu cho thấy, thân và rễ rẻ quạt chứa nhiều nhóm hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau tự nhiên. Đồng thời, rẻ quạt còn được kết hợp với các thảo dược khác như bán biên liên, bồ công anh, sói rừng. Những dược liệu này đều giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Nhờ đó, sử dụng sản phẩm chứa 4 thảo dược này là cách hữu hiệu để tăng cường sức khỏe, phòng tránh các bệnh hô hấp.

Ung thư thanh quản là một loại ung thư có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng. Nếu bị khàn tiếng, ho, khó thở trên 2 tuần, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán bởi rất có thể, đây chính là dấu hiệu cảnh báo của ung thư.

Mọi vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc về các bệnh đường hô hấp, bạn hãy để lại bình luận bên dưới để được giải đáp cụ thể.