Đau họng là triệu chứng quá đỗi quen thuộc với mỗi chúng ta. Hầu hết mỗi người đều đã từng mắc triệu chứng này ít nhất một lần. Vậy thì nguyên nhân nào gây nên tình trạng này? Cần làm gì khi mắc bệnh lý này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Đau họng là gì?

Đau họng thường được biết đến với những biểu hiện như nuốt đau, ngứa, khô họng, ngứa và rát họng,… Đau họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, sưng nề thậm chí xung huyết gây ra cảm giác đau khi nuốt. Nguyên nhân thường là do kích ứng họng và có đến 80% các trường hợp là viêm họng cấp tính do virus. Đau họng là triệu chứng chính của viêm họng và một số triệu chứng khác như khô họng, khản tiếng, sưng hạch ở cổ, xuất hiện các mảng trắng ở amidan,…

Đau họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng với một số trường hợp thì nguy cơ mắc viêm họng, đau họng thường cao hơn ở những người như trẻ em, người nghiện thuốc lá, người có cơ địa dị ứng, người có hệ miễn dịch suy giảm, tiếp xúc gần gũi với những người đang mắc viêm họng, đau họng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Nguyên nhân gây viêm họng, đau họng

  1. Nhiễm virus

Phần lớn viêm họng được kích hoạt bởi các loại virus như cảm lạnh, cảm cúm,… Một số bệnh lý do virus gây ra:

Bạch cầu đơn nhân: là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường nước bọt, như dùng chung đồ dùng, đồ ăn với người bị bệnh.

Sởi: là bệnh truyền nhiễm ngoài đau họng còn có các triệu chứng như phát ban, sốt.

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng gây lở loét trên da.

  1. Nhiễm khuẩn

Viêm họng, đau họng do vi khuẩn thường ít gặp hơn do virus, một số loại vi khuẩn thường gặp gây nhiễm trùng đó là:

Do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây viêm họng

Bạch hầu gây viêm họng

3.Do môi trường

Không phải tất cả nguyên nhân gây đau họng, viêm họng đều là do virus hoặc vi khuẩn mà ngoài ra còn có thể do một số nguyên nhân khác như:

Dị ứng với nấm mốc, lông vật nuôi, phấn hoa, các chất kích ứng khác như hơi hóa chất,… làm cho niêm mạc họng bị kích ứng gây viêm, sưng nề và đau.

Không khí khô cũng là một trong những điều kiện thuận lợi làm cho cổ họng của bạn bị khô, virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, phát triển và gây bệnh.

Nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên có thể gây viêm họng kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần.

Nói nhiều, la hét quá to có thể gây tổn thương niêm mạc họng

4. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thức quản là tình trạng acid dạ dày chảy ngược lên, tràn vào thực quản gây ra một loạt các triệu chứng như đau họng, khản tiếng, ợ nóng, buồn nôn,…

Trên đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây đau họng, viêm họng, ngoài ra còn một số trường hợp hiếm gặp hơn như ung thư cổ họng, dấu hiệu của HIV,…

Khi nào thì bạn cần gặp bác sĩ ?

Hầu hết các trường hợp đau họng, viêm họng không cần đến sự chăm sóc của các bác sĩ, nhưng nếu đau họng, viêm họng kéo dài hơn 1 tuần hoặc có kèm các triệu chứng như khó thở, đau khớp, khó nuốt, đau tai, phát ban, sốt cao, dịch đờm có lẫn máu, trong họng có khối u, khản tiếng kéo dài hơn 2 tuần thì bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám trực tiếp, xác định chính xác tình trạng bệnh từ đó có hướng điều trị thích hợp, hiệu quả.

Đau họng được điều trị như thế nào?

Việc điều trị đau họng, viêm họng cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên bạn có thể điều trị đau họng, viêm họng tại nhà bằng các phương pháp sau:

Súc miệng bằng nước muối ấm

Uống nhiều nước ấm, chẳng hạn như các loại trà, súp và nước

Tránh các tác nhân gây dị ứng và các chất kích thích, chẳng hạn như khói, hơi khí hóa chất

Nếu viêm họng, đau họng là do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt các sinh vật gây bệnh, bạn nên dùng đủ liệu trình từ 7 – 10 ngày để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Để có hiệu quả tốt nhất và ngăn ngừa tái phát lần sau bạn nên phối hợp với các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược để nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện tình trạng bệnh nhanh hơn và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

Nếu bạn bị viêm họng, đau họng do virus, kháng sinh lúc này sẽ không có tác dụng, các thuốc sử dụng trong trường hợp này chủ yếu là điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, thông mũi,…

Làm thế nào để ngăn chặn đau họng xảy ra?

Đau họng có thể được ngăn chặn nếu như bạn có những biện pháp phòng ngừa bảo vệ đường hô hấp của mình một cách hiệu quả như:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn để hạn chế sự xâm nhập virus, vi khuẩn.

Không dùng chung cốc, đồ dùng hay đồ ăn cùng với người khác đặc biệt là những người đang mắc viêm họng, đau họng

Hạn chế tiếp xúc với các bề mặt bên ngoài không đảm bảo vệ sinh

Giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc,…

Tránh khói thuốc lá.

Giữ cho độ ẩm trong nhà luôn ổn định, tránh tình trạng không khí khô dễ gây viêm họng