Viêm thanh quản là nguyên nhân gây ra tình trạng khản tiếng, mất tiếng, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của người bệnh. Bệnh viêm thanh quản đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, nhất là khi thời tiết nóng lạnh đột ngột. Bệnh do các yếu tố môi trường, vi khuẩn, virus… nhưng đôi khi nói lại tới từ chính những thói quen sinh hoạt của cá nhân chúng ta. Nếu cứ cố tình vi phạm thì viêm thanh quản là chuyện sớm chiều.

Khi bị viêm thanh quản, dây thanh khép không kín khi phát âm nên lượng không khí từ phổi đi ra mất gấp 3 lần bình thường và làm các cơ hô hấp phải gắng sức. Chính vì vậy, người bị viêm thanh quản sẽ nhanh mệt khi nói. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm thanh quản có thể chuyển thành mạn tính và là yếu tố thuận lợi để hình thành các khối u ở thanh quản, nhất là ở nam giới. Khi thời tiết thay đổi, hít phải khí độc, khói bụi, cơ thể sẽ giảm sức đề kháng, các bệnh đường hô hấp (viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amidan…) bùng phát; nếu không được điều trị triệt để sẽ khiến vi khuẩn, virus lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản. Tuy nhiên, bệnh cũng bắt nguồn từ nhiều yếu tố chủ quan, do những hành vi, thói quen xấu mỗi ngày. Hãy lưu ý tới các vấn đề tưởng chừng rất bình thường sau:

Nói quá nhiều, la hét quá lớn

Thường xuyên nói to, hay la hét quá nhiều với cường độ âm thanh lớn cũng là một nguyên nhân làm tổn thương thanh quản của bạn. Vậy nên, hãy biết tiết chế cảm xúc và không nên nói quá nhiều, hay quá to. Đặc biệt, bạn chỉ nên nói ở một mức độ vừa phải, đủ lớn để người khác có thể nghe thấy, tránh nguy cơ gây hại cho thanh quản.

Không chỉ nói to, la hét lớn mà các chuyên gia cũng khẳng định viêm thanh quản là một bệnh thường gặp do sử dụng giọng nói không đúng, quá lạm dụng khi dùng giọng nói. Bệnh thường gặp ở những đối tượng hay phải sử dụng giọng nói nhiều như giáo viên, ca sỹ, người dẫn chương trình, người bán hàng…

Đa phần bệnh viêm thanh quản không gây nguy hại cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do viêm thanh quản ảnh hưởng đến giọng - phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người.

Hút thuốc lá

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe thì chắc hẳn chúng ta đều đã biết. Thế nhưng, ngoài gây hại tới tim phổi, răng miệng thì thuốc lá còn ảnh hưởng trực tiếp đến cổ họng và thanh quản của bạn, từ đó làm thanh quản bị tổn thương. Do đó, nếu không từ bỏ thói quen này sớm thì nguy cơ mắc bệnh viêm thanh quản là điều có thể xảy ra.

Uống nhiều rượu bia

Việc uống rượu bia thường xuyên vô tình là một thói quen gây hại tới thanh quản của bạn. Không chỉ vậy, những loại đồ uống chứa cồn còn là nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến gan, dạ dày, phổi...

Uống ít nước

Lượng nước bạn cần tiêu thụ mỗi ngày là từ 1,5 - 2 lít nước, tuy nhiên, nếu không uống đủ nước thì cơ thể bạn sẽ rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi, mất sức nhiều, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp thanh quản được bôi trơn và giảm ma sát, hạn chế tối đa tổn thương vùng cổ họng. Do đó, nếu bạn uống quá ít nước thì thanh quản sẽ dễ bị khô rát, đồng thời nguy cơ gặp phải các bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp nói chung và viêm thanh quản nói riêng sẽ tăng cao hơn.

Thường xuyên ngồi lâu trong phòng lạnh

Bạn có biết rằng, việc ngồi quá lâu trong phòng điều hòa máy lạnh chính là tác nhân lớn khiến cơ thể bạn rơi vào tình trạng thiếu nước. Đồng thời, nếu có thói quen lười uống nước thì cổ họng của bạn sẽ bị khô rát. Về lâu về dài, nếu bạn thường xuyên để cơ thể rơi vào tình trạng đau rát cổ họng thì nguy cơ cao gặp phải căn bệnh viêm thanh quản là điều có thể xảy ra.

Phòng ngừa viêm thanh quản là nâng cao chất lượng cuộc sống

Đừng để giọng nói bị ảnh hưởng bởi viêm thanh quản. Hãy phòng ngừa bệnh bằng cách chú ý hơn tới từng chi tiết nhỏ trong chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hàng ngày. Hãy làm những điều sau để phòng ngừa viêm thanh quản, chúng sẽ giúp bạn bảo vệ thanh quản tốt hơn.

– Nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ nhất là khi bị viêm thanh quản

– Nên súc miệng thường xuyên khoảng 2 giờ/1 lần bằng nước muối ấm hoặc nước trà xanh có pha muối ấm. Có tác dụng sát khuẩn và tạo độ ẩm cho họng, giúp họng bớt khô, khó chịu.

– Khi tắm có thể mở vòi hoa sen cho nước nóng tỏa ra khắp phòng, hít hơi nóng khoảng 5 phút có tác dụng giảm đau do viêm thanh quản.

– Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản, tình trạng khó thở của bệnh nhân. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt tốt cho bệnh nhân viêm thanh quản được bác sĩ khuyên dùng: Dâu tây, các loại quả mọng, bông cải xanh, rau bina và cà rốt. Nếu có hiện tượng đau khó nuốt có thể nấu nhừ (đối với rau) và xay sinh tố (với hoa quả)

– Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc, các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà.

– Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi, và protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Bệnh nhân viêm thanh quản nên tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa (tuy nhiên cần chú ý các sản phẩm sữa đó phải có hàm lượng chất béo thấp). Tốt nhất nên ăn nhiều sữa chua vì sữa chua chứa nhiều vi khuẩn thân thiện có lợi cho hệ thống tiêu hóa và cũng có tác dụng tốt đối với bệnh nhân bị viêm thanh quản.

– Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn. Những người bị viêm thanh quản thường dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường, uống nhiều nước sẽ giúp giảm tình trạng viêm, tình trạng khô họng của bệnh nhân.