Ở bệnh nhân viêm thanh quản, các rối loạn về phát âm như khản tiếng, mất tiếng sẽ gây nhiều khó chịu và phiền toái trong cuộc sống, thậm chí nhiều người bệnh phải nghỉ việc, bỏ nghề.
Rối loạn phát âm do viêm thanh quản
Chúng ta nói được là nhờ cặp dây thanh âm nằm trong thanh quản. Không chỉ có nhiệm vụ trong quá trình thở, thanh quản còn giữ vai trò quan trọng trong phát âm. Vì thế khi bị viêm thanh quản, người bệnh dễ bị rối loạn phát âm.
Các rối loạn về giọng xuất hiện do nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến là do yếu tố nghề nghiệp. Một số nghề phải dùng giọng quá nhiều (giáo viên, phát thanh viên, tư vấn viên,…) hoặc môi trường sống, làm việc ô nhiễm, cơ thể bị nhiễm lạnh, nghiện uống rượu bia, hút thuốc lá,... đều là yếu tố thuận lợi phát sinh các bệnh gây khản tiếng, nói chóng mệt như viêm thanh quản cấp và mạn tính.
Theo các chuyên gia, viêm thanh quản cấp thường có triệu chứng ban đầu như: nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt, sau đó chuyển sang đau họng, có cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho. Nếu không điều trị tốt, dây thanh bị kích thích quá mức sẽ phát sinh các biến đổi thực thể, dây thanh bị yếu đi và đưa đến hậu quả khản tiếng, mất tiếng, nói chóng mệt khó hồi phục,… Khi soi thanh quản, có thể thấy niêm mạc và dây thanh đỏ, sung huyết, phù nề. Viêm thanh quản cấp nếu không được điều trị dứt điểm rất dễ bị tái phát, lâu ngày sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Hiện nay, để điều trị khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản, bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng các thuốc như: xông hơi, khí dung corticoid, kháng sinh, nhóm dung dịch chứa muối kiềm Natri, kết hợp tránh nói to, không uống nước lạnh, tránh khói thuốc, rượu và hoá chất, đề phòng khô họng... Tuy nhiên, các phương pháp trên chỉ giảm được triệu chứng tạm thời và có thể độc với gan, thận, bệnh dễ tái phát.