Polyp thanh quản là khối u nhỏ xuất hiện trên dây thanh âm gây ảnh hưởng tới sự rung động của dây thanh âm, đây là nguyên nhân gây nên sự biến đổi giọng nói như khản tiếng, giọng đôi… Polyp thanh quản là bệnh lý phổ biến hiện nay, thường hay gặp với những người có đặc thù nghề nghiệp phải sử dụng giọng nói nhiều như giáo viên, dẫn chương trình, ca sĩ, diễn viên,... Polyp thanh quản được đặc trưng bởi các triệu chứng như khản tiếng, giọng đôi, cảm giác vướng, nuốt khó, phát âm và hít thở cũng khó khăn hơn, không nói được nhiều bởi hay mệt do bị mất hơi nhiều.
Ai là người có nguy cơ mắc polyp thanh quản?
- Những người sử dụng đến giọng nói quá nhiều và liên tục như giáo viên, dẫn chương trình, phát thanh viên, ca sĩ… gây tổn thương thanh quản lâu ngày dần dần dẫn đến xuất hiện khối polyp thanh quản gây khản tiếng...
- Những người làm việc trong môi trường có hơi khí kích thích như hóa chất, khói công nghiệp, bụi, khói thuốc lá gây nên tình trạng phù nề niêm mạc thanh quản lâu ngày cũng dẫn đến sự phát triển của khối u polyp thanh quản.
- Những người có phản ứng dị ứng ở thanh quản hoặc do trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân gây polyp thanh quản.
- Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ khác như dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc lá là những yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện của polyp thanh quản.
Điều trị polyp thanh quản
Điều đầu tiên mà các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đó là ngừng nói hay hạn chế nói trong một vài tuần để cho dây thanh âm của họ được nghỉ ngơi đầy đủ. Hãy để cho dây thanh âm của bạn có thời gian nghỉ ngơi sau khi đã phải làm việc quá sức trong một thời gian dài, mới có thể trở lại giọng nói trong trẻo như ban đầu được.
Tiếp theo đó là các biện pháp điều trị tùy theo tình trạng bệnh mà có các hướng xử trí phù hợp với tình trạng bệnh. Điều trị polyp dây thanh bằng thuốc đơn thuần không thể trị khỏi polyp dây thanh, nếu để lâu việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Phương pháp được ưu tiên trong điều trị polyp dây thanh đó là phẫu thuật cắt bỏ polyp bằng phương pháp laser, soi treo hoặc soi trực tiếp hay gián tiếp để lấy bỏ khối polyp là những phương pháp cơ bản để lấy tận gốc polyp thanh quản và đem lại hiệu quả điều trị cao.
Để có hiệu quả tốt nhất sau khi phẫu thuật cần có các biện pháp phòng bệnh, luyện âm, cách sử dụng giọng nói mà không làm dây thanh căng quá mức giúp giữ gìn, bảo vệ dây thanh âm, tránh được các tác động xấu lên dây thanh âm. Nếu thực hiện đúng hướng dẫn điều trị, hầu hết người bệnh đều có thể phục hồi giọng nói bình thường.
Tuy nhiên các bác sĩ khuyên rằng việc phát hiện và điều trị sớm polyp thanh quản cũng không bằng việc có các biện pháp phòng tránh ngay từ đầu. Do vậy, khi có dấu hiệu khản tiếng, mất tiếng, đau họng,… cần phải được điều trị dứt điểm và phòng ngừa tái phát. Hiện nay, xu hướng đang được các bác sĩ và mọi người tin dùng, đó là sử dụng các sản phẩm có thành phần là các thảo dược từ thiên nhiên có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các triệu chứng viêm của đường hô hấp mạn tính như viêm thanh quản, viêm amidan, viêm họng…