Khản tiếng là triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh lý về đường hô hấp trên, đặc biệt là trong các bệnh lý có liên quan đến thanh quản bởi một trong các chức năng chính của thanh quản là chức năng phát âm. Do vậy, khi thanh quản bị viêm, phù nề hay biến đổi bất thường thì đều có ảnh hưởng đến chức năng phát âm của thanh quản.

Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến thanh quản như giáo viên, dẫn chương trình, ca sĩ, diễn giả, công nhân làm việc trong môi trường có hóa chất, hơi khí kích thích,… là những người có khả năng mắc các bệnh về thanh quản cao do đặc thù công việc phải sử dụng nhiều đến giọng nói, hay do thường xuyên hít phải hơi khí kích thích nên gây ra tình trạng kích ứng niêm mạc thanh quản dẫn tới khản tiếng. Những năm gần đây, tỷ lệ những người mắc khản tiếng do các bệnh lý liên quan đến thanh quản tăng cao chiếm tới 20% trong các nguyên nhân gây khản tiếng.

Nguyên nhân gây khản tiếng

Âm thanh được tạo bởi luồng không khí từ phổi đi lên làm rung động dây thanh tạo ra âm thanh. Nguyên nhân gây nên tình trạng khản tiếng là do dây thanh rung động không đều hoặc dây thanh khép không kín khi phát âm. Các bệnh lý thường gặp như viêm thanh quản cấp và mạn tính, hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nang thanh quản gây viêm, phù nề, tổn thương tại chỗ, ảnh hưởng đến sự rung động của dây thanh. Khản tiếng có ảnh hưởng lớn đến giao tiếp, công việc của người bệnh, thậm chí trường hợp nặng có thể phải bỏ nghề nghiệp yêu thích của mình. Dưới đây là một số nguyên nhân gây khản tiếng phổ biến:

-         La hét, sử dụng giọng nói nhiều trong thời gian dài với cường độ lớn là những nguyên nhân phổ biến gây viêm thanh quản dẫn đến khản tiếng.

-         Hút thuốc lá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khản tiếng, do khói thuốc lá gây kích ứng niêm mạc và dây thanh.

-         Nhiễm virus, hay sau khi mắc cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang mạn tính… là nguyên nhân hay gặp gây viêm thanh quản dẫn đến khản tiếng, mất tiếng.

-         Do làm việc trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi, hóa chất, thời tiết thay đổi đột ngột là điều kiện thuận lợi làm cho các bệnh lý đường hô hấp trên, viêm thanh quản xuất hiện.

-         Do trào ngược dạ dày thực quản gây kích ứng niêm mạc thanh quản, lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng khản tiếng kéo dài.

-         Do nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân ít gặp.

Để điều trị chứng khản tiếng cần tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh từ đó mới có phương pháp điều trị phù hợp với nguyên nhân gây bệnh. Khi mắc khản tiếng người bệnh cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ. Tốt nhất nên hạn chế nói trong thời gian điều trị, nên uống nhiều nước và bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Với những trường hợp khản tiếng do hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nhú thanh quản, … thì cần có can thiệp ngoại khoa để loại bỏ những tổn thương tại chỗ, khắc phục nhanh chóng tình trạng khản tiếng.

Đối với những người có đặc điểm nghề nghiệp phải sử dụng nhiều đến giọng nói thì nên có các biện pháp phòng và bảo vệ thanh quản ngay cả khi chưa có các triệu chứng của khản tiếng, mất tiếng. Giúp giữ gìn thanh quản, giọng nói trong trẻo của bạn đồng thời ngăn ngừa những bệnh lý của thanh quản như hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nhú thanh quản,… Một phương pháp đang được nhiều bác sĩ và nhiều người tin dùng hiện nay đó là sử dụng các thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên có tác dụng bảo vệ thanh quản, ngăn ngừa các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như khản tiếng, mất tiếng,…