Triệu chứng khản tiếng, mất tiếng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là viêm thanh quản mạn tính. Bệnh gây cho bệnh nhân những khó chịu, phiền toái trong cuộc sống và giao tiếp, hay gặp ở những người làm nghề phải sử dụng giọng nói thường xuyên như giáo viên, phát thanh viên, bán hàng, doanh nhân… Nếu bạn bị khản tiếng kéo dài, hãy cẩn trọng!

Tại sao nói khản tiếng là triệu chứng viêm thanh quản mạn tính?

Bên trong thanh quản là dây thanh - hai nếp gấp của niêm mạc bao phủ cơ và sụn. Thông thường dây thanh mở và đóng êm, tạo thành âm thanh thông qua chuyển động và rung động. Nhưng trong viêm thanh quản, dây thanh bị viêm hay bị kích thích. Điều này gây ra sự biến dạng của âm sắc khi không khí đi qua chúng, kết quả là chúng ta bị khản tiếng. Chính vì thế, khi dây thanh bị viêm, tái phát nhiều lần, kéo dài trên 3 tuần với biểu hiện rõ nét nhất là khản tiếng, mất tiếng, đau rát họng, ho nhiều... đặc biệt là tình trạng khản tiếng kéo dài chúng ta không nên chủ quan vì rất có thể đã bị viêm thanh quản mạn tính.

Bệnh viêm thanh quản mạn tính thường gặp ở những đối tượng:

- Thường xuyên nói nhiều, nói to, sử dụng giọng nói là công cụ làm việc như giáo viên, ca sĩ, MC, người kinh doanh buôn bán.

- Thường xuyên sử dụng rượu, bia, chất kích thích, tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm…

- Người mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm mũi… khiến dịch chứa vi khuẩn, nấm, virus chảy xuống họng, thanh quản làm tổn thương dây thanh.

- Người mắc hội chứng trào ngược acid dạ dày gây tổn thương dây thanh quản.

Tại sao viêm thanh quản dễ trở thành mạn tính và khó điều trị?

Mỗi khi bị viêm thanh quản, bệnh nhân hay được chỉ định hoặc tự ý sử dụng các thuốc chống viêm, corticoid, kháng sinh để làm giảm phù nề, tiêu diệt vi khuẩn gây hại cho thanh quản giúp cải thiện các triệu chứng mất tiếng, đau rát họng, ho nhiều. Nhóm thuốc này tuy giúp giảm nhanh các triệu chứng nhưng khiến  bệnh nhân mệt mỏi, giảm sức khỏe và lần sau lại tái phát nhanh hơn, chữa mãi không khỏi dần dần  sẽ dẫn đến xơ hóa dây thanh. Nếu không điều trị triệt để, dễ gây viêm khí - phế quản, tăng sản, tăng sừng hoá, bạch sản thanh quản (trạng thái tiền ung thư), thậm chí ung thư thanh quản.

Giải pháp điều trị triệt để viêm thanh quản mạn tính, chấm dứt khản tiếng

Muốn điều trị viêm thanh quản mạn tính triệt để thì yêu cầu đầu tiên buộc người bệnh phải làm đó là tuân thủ phác đồ điều trị, giải quyết các yếu tố nguy cơ như:

- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây tổn thương cho niêm mạc họng như khói bụi, nước đá, rượu bia…

- Mùa hè tránh dùng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp. Mùa đông cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng họng.

- Uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn cay nóng.

- Điều trị triệt để các bệnh lý viêm mũi, viêm xoang, răng miệng, viêm tai… để tránh dịch chứa vi khuẩn, virus, nấm chảy xuống làm họng, thanh quản bị viêm liên tục.

- Vệ sinh sạch miệng, họng, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

- Tránh lạm dụng kháng sinh, thuốc corticoid làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Bên cạnh việc cân bằng, điều chỉnh lại lối sống, dinh dưỡng, tránh xa những yếu tố nguy cơ thì các chuyên gia đầu ngành tai- mũi- họng cũng khuyên bệnh nhân nên sử dụng thêm các sản phẩm từ thảo dược trong điều trị viêm thanh quản mạn tính bởi vì việc sử dụng các thảo dược như xạ can (rẻ quạt), bồ công anh, bán biên liên, sói rừng… giúp tiêu viêm, giảm phù nề niêm mạc, trị đau rát lại thanh nhiệt, giải độc, tác động trực tiếp vào nguyên nhân gây bệnh.