Bạn đã bao giờ bị mất tiếng nói chưa? Bạn có biết điều gì đang xảy ra với dây thanh âm của bạn không? Hãy tìm hiểu các lý do có thể gây mất tiếng mãi không khỏi qua bài viết sau đây.
Âm thanh được phát ra khi không khí từ phổi đi qua các dây thanh âm, khiến chúng rung lên. Những rung động này là vô hình đối với mắt thường (khoảng 100-250 lần mỗi giây). Âm thanh được tạo ra từ những rung động này được khuếch đại qua các buồng cộng hưởng của chúng ta (mũi và miệng). Khi chúng ta sử dụng giọng nói quá mức, dây thanh quản của chúng ta có thể bị sưng và viêm, đôi khi gây chảy máu. Kết quả là khản giọng đau họng, thay đổi âm sắc mà chúng ta nói, không thể hát nốt cao, hoặc thậm chí mất tiếng.
Nhiễm trùng xoang và dị ứng mũi cũng có thể ngăn chặn các buồng cộng hưởng của chúng ta và ảnh hưởng đến khả năng phát ra tiếng nói. Dây thanh âm có thể bị tổn thương do sử dụng quá mức và lạm dụng. Các chứng bệnh thường gặp bao gồm hạt xơ dây thanh, polyp, u nang, viêm thanh quản và xuất huyết thanh quản (chảy máu).
Bác sĩ Paul Mok, chuyên gia phẫu thuật tai mũi họng tại trung tâm Mount Elizabeth Novena và là thành viên của mạng lưới Alliance Healthcare, chia sẻ năm điều có thể khiến bạn mất tiếng và cách bạn có thể khắc phục.
1. Lạm dụng giọng nói quá mức
Chúng ta, hầu như ai cũng từng bị khản tiếng, mất tiếng ở các mức độ khác nhau, thường là sau khi la hét, cổ vũ và hát quá nhiều tại các sự kiện, tiệc tùng hoặc hội trại. Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể có thể dễ dàng chữa lành vết thương nhỏ trong dây thanh âm, nhưng nếu chấn thương dây thanh âm tiếp tục tái phát có thể dẫn đến các hạt xơ (các vết chai sần trên dây thanh), polyp hoặc u nang dây thanh. Đôi khi, các mạch máu trong dây thanh có thể vỡ đột ngột và chảy máu (xuất huyết dây thanh). Điều này thường gây ra một sự mất mát đột ngột về giọng nói và là một trường hợp khẩn cấp thông báo thanh quản cần được điều trị ngay lập tức.
Khắc phục: Nghỉ ngơi và giảm thiểu nói chuyện. Đừng cố nói dù chỉ thì thầm. Sử dụng bút và giấy để giao tiếp nếu cần. Nếu bạn không hồi phục sau một tuần, hãy đi khám ngay. Bác sĩ sẽ thực hiện nội soi họng để có một chẩn đoán chính xác. Việc điều trị sớm sẽ giúp bạn phục hồi nhanh hơn. Trường hợp xuất huyết dây thanh, mặc dù không đe dọa tính mạng, nhưng việc tiếp tục sử dụng giọng nói của bạn có thể khiến dây thanh âm trở nên cứng và sưng lên. Nó có thể mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.
2. Acid trào ngược
Mất tiếng nói cũng có thể xảy ra do trào ngược acid. Tình trạng xảy ra khi acid từ dạ dày đi vào cổ họng và làm tổn thương niêm mạc. Tổn thương sưng, phù nề có thể được coi là một cục u trong cổ họng, gây kích ứng, ho và khản tiếng.
Thông thường, các triệu chứng này xảy ra trong vòng nửa giờ sau khi ăn hoặc nằm xuống ngay sau bữa ăn. Người bị trào ngược acid thường có tiền sử đau dạ dày và thường xuyên bị ợ hơi. Một số loại thực phẩm có liên quan đến tăng tần suất trào ngược acid, chẳng hạn như thực phẩm chiên, dầu, các sản phẩm từ sữa, đồ uống có caffein và rượu cũng như các loại thực phẩm có tính acid như cam, chanh và nho.
Khắc phục:
Tránh các thức ăn gây trào ngược và chỉ bắt đầu nằm sau ba giờ ăn. Thuốc cũng có thể giúp ngăn ngừa trào ngược. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại, hãy hẹn gặp bác sĩ.
3. Nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm lạnh thông thường)
Khi bị cảm lạnh, chúng ta thường bị nghẹt mũi. Trong một số trường hợp, bạn có thể thấy xuất hiện đờm màu vàng xanh và bắt đầu ho. Mũi bị tắc sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thở và giao tiếp, gây căng thẳng thêm khi nói chuyện. Đờm cũng cản trở luồn khí ra vào khiến bạn gặp khó khăn trong việc phát âm.
Khắc phục: Nếu bạn bị cảm lạnh và bắt đầu trải qua các triệu chứng được liệt kê ở trên, hãy điều trị sớm. Nếu tình trạng ho và khản giọng của bạn kéo dài hơn hai tuần, cần đi khám sớm. Thông thường, mất tiếng trong viêm thanh quản cấp tính có thể mất 3-5 ngày để phục hồi, do đó hãy cho phép bản thân vài ngày để hồi phục. Nếu công việc của bạn buộc phải nói chuyện, cũng đừng cố trở lại làm việc quá sớm khi giọng nói của bạn vẫn còn khản vì điều này có thể dẫn đến thiệt hại lâu dài cho giọng nói.
4. Chảy nước mũi dai dẳng do dị ứng
Mất giọng nói cũng có thể xảy ra khi cổ họng thường xuyên bị kích ứng, ho do dị ứng. Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thường bị nghẹt mũi, hắt hơi hoặc chảy nước mũi. Chất nhầy trong mũi thường chảy ngược xuống cổ họng, gây khó chịu.
Khắc phục:
Nếu mũi của bạn thường xuyên bị tắc nghẽn, trước tiên hãy đến gặp bác sĩ để điều trị. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại, hoặc nếu giọng nói của bạn bị ảnh hưởng, đôi khi cần một vài thủ thuật phẫu thuật. Việc phân loại dị ứng sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến giọng nói.
5. Ung thư dây thanh quản
Cuối cùng, một nguyên nhân nghiêm trọng gây mất tiếng là ung thư dây thanh quản. Ung thư dây thanh quản thường thể hiện triệu chứng là sự khản giọng dai dẳng, kéo dài. Bên cạnh đó, hơi thở cũng trở nên khó khăn hơn. Nguy cơ phát triển ung thư cao gấp 30 lần ở những bệnh nhân uống rượu và hút thuốc thường xuyên.
Khắc phục:
Để giảm thiểu nguy cơ ung thư, tránh hút thuốc và uống rượu thường xuyên. Nếu bạn có khản tiếng không hồi phục sau hai tuần, bạn nên hẹn gặp bác sĩ ngay.