Chứng rối loạn giọng nói, khàn tiếng, mất tiếng có thể đi kèm với các bệnh về đường hô hấp trên với nguyên nhân do thời tiết thay đổi đột ngột, hay do nhiễm lạnh là những nguyên nhân khá phổ biến gây viêm thanh quản, viêm họng, cúm…và chắc hẳn với hầu hết mỗi người đều đã có kinh nghiệm riêng cho bản thân về những bệnh phổ biến này.
Viêm thanh quản và những đặc điểm của viêm thanh quản
Trong hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp, cúm, cảm lạnh do virus thường xảy ra vào mùa đông- mùa của virus cúm sinh sôi nảy nở. Viêm thanh quản tuy không phải là bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nhưng gây nhiều phiền toái trong giao tiếp và công việc cho người bệnh.
Để hạn chế các biến chứng của viêm thanh quản chúng ta cần có biện pháp xử trí các vấn đề về viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản … ngay từ khi bệnh ở tình trạng cấp tính một cách triệt để và không làm trầm trọng bệnh thêm nữa tránh các hậu quả không mong muốn. Dưới đây là một số tóm tắt về viêm thanh quản giúp bạn hiểu về viêm thanh quản giúp cho bạn phòng viêm thanh quản một cách hiệu quả và chăm sóc giọng nói của bạn ngay cả khi nó còn khỏe mạnh.
6 điều cần biết về viêm thanh quản
- Nguyên nhân của viêm thanh quản bao gồm trào ngược acid dạ dày, có thể gây ra tình trạng viêm ở các dây thanh, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc nấm men, hút thuốc lá, hóa chất kích thích, và thậm chí nói quá to hoặc sử dụng giọng nói nhiều trong thời gian dài.
- Triệu chứng của viêm thanh quản thường là sốt nhẹ, có chảy nước mũi, nóng họng, ngứa và rát họng, ho khan và sau đó giọng khàn thậm chí mất tiếng, ho có đờm, sưng hạch ở cổ.
- Viêm thanh quản cấp nếu không được điều trị triệt để dễ dẫn đến viêm thanh quản mạn tính, việc điều trị sẽ khó khăn và lâu dài hơn. Điều trị viêm thanh quản do virus chủ yếu điều trị triệu chứng, làm giảm triệu chứng khàn tiếng, mất tiếng. Cách tốt nhất là nên hạn chế nói, để cho giọng nói của bạn được nghỉ ngơi trong thời gian này.
- Nên uống nhiều nước để làm ẩm họng, tốt cho giọng nói, giúp cho việc nuốt hay nói một cách dễ dàng hơn. Không dùng các loại đồ uống có chứa cafein. Uống nước ấm và súc miệng nước muối loãng hàng ngày cũng là cách làm cho họng của bạn cảm thấy dễ chịu hơn và làm sạch họng hạn chế sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
- Phòng tránh viêm thanh quản do virus cũng tương tự như cách phòng tránh bệnh cúm hay cảm lạnh. Bạn cần giữ ấm cơ thể đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, hạn chế đưa tay lên mũi miệng tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào đường hô hấp, tránh tiếp xúc với người nào đó đã bị nhiễm virus cúm, cảm lạnh, hay viêm thanh quản.
- Giọng nói_ đó là công cụ tự nhiên giúp cho việc giao tiếp của chúng ta. Hầu hết mọi người chỉ chú ý và điều trị khi mắc các vấn đề về giọng nói như khàn tiếng, mất tiếng. Theo các chuyên gia bạn nên chăm sóc giọng nói ngay cả khi không mắc các vấn đề về giọng đặc biệt là đối với các đối tượng có nguy cơ cao như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên…