Norman Hogikyan và các đồng nghiệp thuộc Hệ thống Y tế Đại học Michigan phát biểu rằng: "Tiếng nói như một “đại sứ” liên kết bạn với thế giới bên ngoài. Thông thường, người ta sẽ đánh giá về bạn dựa vào âm giọng, nên nó rất quan trọng khi bạn nói chuyện, phát ngôn hoặc thể hiện tài năng ca hát. Có lẽ vì lý do này mà nếu bạn gặp những vấn đề với giọng nói của mình, bạn sẽ phải chịu một tác động to lớn tới cuộc sống". Hãy bảo vệ giọng nói khỏe mạnh bằng 10 mẹo nhỏ sau đây.

10 mẹo nhỏ giúp “tăng lực” cho giọng nói thánh thót

Theo báo cáo ở American Academy of Otolaryngology, có khoảng 7 triệu người Mỹ đang gặp một số rối loạn về giọng nói. Để giúp đỡ mọi người giữ giọng, Hogikyan và các đồng nghiệp đã tập hợp 10 mẹo sau:

1. Bổ sung nước cho cơ thể

Uống nước để bổ sung lượng nước thiết yếu cho cơ thể, tránh uống rượu và chế phẩm chứa caffeine. Bạn biết đấy, dây thanh quản rung động rất mạnh nên cần có một sự “tưới nước” thích hợp để bôi trơn, làm dịu. Bạn cũng có thể bổ sung nước bằng cách ăn các loại trái cây mọng nước như: táo, lê, dưa hấu, đào, dưa chuột, nho, hay mận (roi).

2. Có một giấc ngủ trưa

Hãy cho phép bản thân ngủ trưa một chút, nhất là trong những khoảng thời gian sử dụng giọng nói kéo dài. Ví dụ, các thầy cô giáo nên tránh nói nhiều trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học và tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi thay vì dành giờ ăn trưa nói chuyện ồn ào trong văn phòng với các đồng nghiệp.

3. Bỏ thuốc lá

Đừng hút thuốc, hoặc nếu bạn đã hút thì hãy bỏ đi. Thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng và việc hít phải khói có thể gây kích thích dây thanh quản.

4. Không lạm dụng giọng nói

Tránh la hét quá lớn và cố gắng không nói to trong môi trường đang ồn ào. Nếu cảm thấy cổ họng khô rát, hoặc giọng nói đang khản, hãy giảm âm lượng và tần suất lại. Khản tiếng là một dấu hiệu cảnh báo rằng dây thanh của bạn đang bị kích thích.

5. Thư giãn thanh quản

Giữ cơ cổ, cơ thanh quản thư giãn ngay cả khi hát những nốt cao hay trầm. Một số ca sĩ nghiêng đầu khi hát những nốt cao và cúi cổ khi hát những nốt thấp. Rosenberg nói: "Nếu cố gắng chạm tới những nốt cao trên “trần nhà” và những nốt thấp dưới “sàn nhà”, theo thời gian, bạn sẽ phải trả một khoản tiền lớn cho việc này" - nó không chỉ khiến các cơ thanh quản mệt mỏi, bị kéo căng mà còn gây ra sự giới hạn trong tương lai về phạm vi thanh nhạc.

6. Sử dụng giọng nói thích hợp

Chú ý đến cách bạn nói chuyện hàng ngày. Ngay cả những người biểu diễn có thói quen hát tốt cũng có thể gặp một vài thiệt hại khi nói chuyện. Nhiều ca sĩ có kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ rèn các thói quen lành mạnh khi nói chuyện; quả thực, theo Herseth, "nhiều người - kể cả ca sĩ - nên thở đều trong khi nói chuyện."

7. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Hãy súc họng để vệ sinh hàng ngày. Đừng quên tới gặp bác sĩ để kiểm tra một số bệnh lý như trào ngược acid dạ dày, dị ứng hay viêm xoang để tránh ảnh hưởng tới thanh quản.

8. Giữ giọng khi bị ốm

Khi bạn bị ốm, hãy nhớ giữ giọng. Đừng cố nói khi bạn khản tiếng do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng.

9. Sử dụng các công cụ hỗ trợ giọng nói

Khi bạn phải nói chuyện hay thuyết trình với các nhóm lớn hoặc ngoài trời, hãy nghĩ đến việc sử dụng micro khuếch đại âm thanh để tránh phải nói quá lớn.

10. Giữ độ ẩm không khí thích hợp

Làm ẩm không khí trong nhà và nơi làm việc. Hãy nhớ rằng, không khí ẩm sẽ rất tốt cho tiếng nói.