Trước đây, bệnh ung thư amiđan rất hiếm nhưng nay đã trở nên phổ biến trong các loại ung thư vùng miệng, thường gặp ở BN trên 30 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.100 ca ung thư vùng môi miệng – amiđan. Nguyên nhân mắc bệnh do BN bị viêm nhiễm amidan mạn tính kéo dài nhưng không điều trị, nhiễm virus HPV gây u nhú ở người có quan hệ tình dục bằng miệng, hút thuốc lá, uống rượu bia và vệ sinh răng miệng kém…
Tuy nhiên, nhiều người rất chủ quan vì thấy amiđan bị tổn thương cứ nghĩ là viêm amiđan. Mặt khác, viêm amiđan lại là bệnh quá phổ biến trong dân số, chiếm đến 45% trong tổng số BN phẫu thuật vùng tai mũi họng, khiến nhiều người chủ quan xem là “chuyện nhỏ”. Trong khi đó, triệu chứng để phân biệt giữa ung thư amiđan với viêm loét amiđan, đau vùng amiđan lại khá mơ hồ.
Dù viêm amiđan và ung thư amidan khó có thể phân biệt nhưng không phải là hết cách. Viêm amidan thường do nhu mô amiđan viêm nhiễm, trong khi ung thư lại do tế bào ác tính sản sinh ở các nhu mô amiđan. Ở BN viêm amiđan, nếu bị cấp tính, thường sốt, đau họng một bên hoặc hai bên, khó nuốt, khó thở. Nếu bị viêm amiđan mạn tính thường khạc ra những hạt bã đậu (giống hạt cơm tấm, cơm nát) có mùi rất hôi. Hạch ở cổ sưng to, đau và sẽ xẹp, biến mất sau khi uống thuốc. Trong khi, ở BN ung thư, biểu hiện bệnh tiềm tàng: không sốt, ít sốt, chỉ có cảm giác nuốt vướng, cổ có hạch nhưng lại không đau, không sưng. Nếu uống thuốc, hạch cũng không mất đi, ngược lại ngày càng cứng và to ra.
Chữa sớm, 60-70% bệnh nhân sống trên 5 năm
Lo ngại nhất là dấu hiệu ung thư được phát hiện trễ, khiến việc điều trị khó khăn. Bởi biến chứng của viêm amidan dù có gây viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, phế quản hay nặng hơn là thấp khớp, thấp tim, tiểu ra máu nhưng chỉ cần cắt amidan là xong. Ngược lại, với bệnh ung thư amidan, nếu phát hiện trễ, các tế bào ác tính sẽ di căn xung quanh vùng mũi họng hoặc tiến sâu đến vùng phổi, gây tử vong nhanh chóng. Theo BS Vũ, người bị ung thư amidan nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm chiếm khoảng 60-70%. Việc điều trị thông thường là nạo vét hạch di căn, sau đó “tấn công” bằng tia xạ để chặn đứng các tế bào ác tính lan sang các cơ quan khác.
Tóm lại, nếu vùng cổ (sau xương hàm) xuất hiện hạch càng lúc càng to, cứng, cảm giác nuốt vướng, khó nhai phía bên hạch cổ, khó thở nhẹ, hoặc chỉ cần BN bị viêm đau amiđan kéo dài thì phải đi khám ngay để sớm phân biệt và điều trị bệnh. Các kỹ thuật phát hiện sớm ung thư vùng tai mũi họng, trong đó bao gồm cả ung thư amiđan đang được các cơ sở y tế ứng dụng ngày càng nhiều hơn. Mới đây, BV Tai Mũi Họng Trung ương tại Hà Nội đã ứng dụng kỹ thuật sử dụng bước sóng ngắn, có thể chẩn đoán sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư vùng tai mũi họng như: tắc vùng họng, cảm giác nuốt vướng, khàn tiếng kéo dài… Các BS cho biết, thiết bị chẩn đoán ung thư sẽ phát ra những bước sóng khác nhau, đi vào mọi ngõ ngách ở vùng tai mũi họng. Khi nhận thấy một khối u bất thường, dù còn rất nhỏ, màu sắc của bước sóng sẽ thay đổi. Dựa vào dấu hiệu nghi ngờ này, BS sẽ khoanh vùng vị trí khối u và lấy mẫu sinh thiết để khẳng định chắc chắn có khối u hay không. Đây là kỹ thuật hoàn toàn mới, thay vì phương pháp đang sử dụng: nội soi ống mềm tiếp xúc với bề mặt khối u sần sùi để phát hiện bệnh.