Viêm Amidan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amidan có thể là viêm cấp, viêm amiđan cấp tái hồi, viêm Amidan mạn, viêm tấy hoặc áp xe quanh Amidan.
Viêm Amidan cấp là tình trạng viêm nhiễm khuẩn giới hạn ở Amidan do vi khuẩn hoặc siêu vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là liên cầu trùng tan huyết Bêta nhóm A, đây là tác nhân gây sốt thấp khớp có thể gây biến chứng ở van tim và viêm vi cầu thận cấp. Trẻ lớn và người lớn viêm Amidan thường do vi khuẩn trong đó liên cầu nhóm A là hay gặp nhất. Các siêu vi trùng gây nhiễm khuẩn hô hấp trên có thể gây viêm Amiđan cấp với tỷ lệ thấp.
Bệnh nhân bị viêm Amidan cấp có triệu chứng: sốt cao, rét run, đau họng, vướng họng , ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp…..nếu không được điều trị kịp thời có thể bị các biến chứng như viêm tấy quanh Amiđan, áp-xe (tụ mủ) quanh Amidan, áp xe Amidan , áp xe hạch cổ viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản , đặc biệt viêm Amidan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm vi cầu thận, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc tố liên cầu nhóm A (Sốt, hạ huyết áp, suy thận, suy hô hấp cấp và tử vong rất nhanh).
Bệnh nhân bị viêm Amidan mạn biểu hiện bằng những đợt viêm Amidan cấp tái hồi, giữa các đợt này thường có phản ứng viêm dai dẳng hơn 4 tuần nhưng không rầm rộ. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn gram dương hay gặp là liên cầu tan huyết Bêta nhóm A. Viêm Amidan mạn thường xảy ra ở người lớn và trẻ lớn.
Viêm Amidan mạn tính trong đợt cấp tái hồi có triệu chứng chủ yếu như đau họng tái đi tái lại, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, hạch cổ to lên, hơi thở hôi. Ngoài đợt tái hồi bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài như khó nuốt, đau tai, hạch cổ to, hôi miệng, khạc ra chất bã đậu hôi. Khi khám thấy Amidan to hoặc teo, nhưng bề mặt Amidan có nhiều chấm trắng như bã đậu.
Viêm amiđan mạn tính ở trẻ em thường làm amidan to (gọi là quá phát) có thể gây rối loạn hô hấp (ngủ ngáy), rối loạn phát âm (giọng nói đục, hoặc ồm ồm), rối loạn nuốt (nuốt khó và dễ bị ọc, ói)…các rối loạn này nếu không được xử trí sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.