Viêm thanh quản trào ngược là một trong những thể trào ngược gây ra các tổn thương ở vùng họng, thanh quản như khàn tiếng, ho kéo dài, viêm họng… Nếu không được điều trị, viêm thanh quản trào ngược còn thúc đẩy hình thành các khối u hạt trong cổ họng và làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản hoặc viêm phổi. Do đó, phát hiện bệnh ngay từ sớm sẽ giúp bạn tránh được những tác động tiêu cực cho sức khỏe.

Viêm thanh quản trào ngược là gì?

Viêm thanh quản trào ngược (tên khoa học là LPR, còn gọi là trào ngược họng thanh quản, viêm thanh quản sau) là một chứng rối loạn giọng nói xảy ra khi nếp gấp thanh quản bị sưng hoặc kích ứng do dịch dạ dày đi lên thực quản và tràn vào thanh quản, cổ họng.

Viêm thanh quản trào ngược có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, từ cấp tính đến mạn tính hoặc xảy ra từng đợt trong giai đoạn mạn tính. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh thường là mạn tính do dễ tái phát.

Viem-thanh-quan-trao-nguoc-xay-ra-khi-dich-da-day-tran-qua-thuc-quan-vao-co-hong-va-thanh-quan

Viêm thanh quản trào ngược xảy ra khi dịch dạ dày tràn qua thực quản vào cổ họng và thanh quản

Nguyên nhân nào gây ra viêm thanh quản trào ngược?

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm thanh quản trào ngược là do van dạ dày thực quản bị yếu. Bình thường, khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ di chuyển từ miệng qua hầu họng, đến thực quản rồi đi qua cơ thắt thực quản dưới để xuống dạ dày. Cơ thắt này hoạt động như van một chiều, chỉ mở ra khi chúng ta nuốt thức ăn, rồi nhanh chóng đóng lại để ngăn thức ăn không bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Nếu cơ thắt này không còn hoạt động như bình thường, có thể mở ra thường xuyên hoặc đóng lại không khít sẽ làm cho thức ăn và acid từ dạ dày dễ trào ngược lên thực quản, tràn sang vùng hầu họng, thanh quản.

Ngoài ra, một số yếu tố về hành vi trong ăn uống và lối sống cũng góp phần gây ra trào ngược, bao gồm:

  • Chế độ ăn kiêng tiêu cực.
  • Tiêu thụ đồ ăn nhanh, gia vị cay nóng.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Mặc quần áo chật gây áp lực cho dạ dày.
  • Căng thẳng quá mức.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm thanh quản trào ngược

Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm thanh quản trào ngược sẽ giúp người mắc điều trị bệnh hiệu quả hơn và hạn chế được những biến chứng có thể xảy ra.

Triệu chứng viêm thanh quản trào ngược đặc trưng

Triệu chứng của viêm thanh quản trào ngược xảy ra chủ yếu ở thanh quản và các cơ quan khác trong đường hô hấp. Để biết bản thân có đang gặp tình trạng này hay không, bạn hãy dựa vào những dấu hiệu dưới đây:

  • Khàn giọng: Axit trong dạ dày có thể gây kích ứng niêm mạc thanh quản, tăng sản xuất chất nhầy, từ đó làm biến đổi giọng nói. Khàn giọng thường nặng hơn vào buổi sáng và sau khi ăn no, đi kèm với khó phát âm.
  • Khó nuốt: Cảm giác có khối u ở cổ họng là điểm đặc trưng của viêm thanh quản trào ngược. Điều này đến từ việc các dây thanh âm bị sưng và kích ứng nên không thể đóng mở và rung động nhịp nhàng.
  • Viêm họng: Niêm mạc họng bị kích ứng và sưng tấy khi tiếp xúc với dịch dạ dày gây đau họng, lâu dần dẫn tới viêm.
  • Chảy nước mũi: Dịch dạ dày kích thích cơ thể tăng sản xuất chất nhầy như một hình thức để bảo vệ lớp niêm mạc cổ họng và thanh quản. Chất nhầy này khá đặc và khi đi xuống cổ họng sẽ gây chảy nước mũi.
  • Ho kéo dài: Phản xạ ho xảy ra khi các đầu dây thần kinh trong cổ họng bị kích thích.
  • Đằng hắng liên tục: Có quá nhiều chất nhầy gây vướng víu cổ họng, thúc đẩy mong muốn tống khứ chúng ra ngoài bằng cách ho khạc, đằng hắng.
  • Triệu chứng khác: Ợ chua, cảm giác nóng rát trước ngực, khó thở đột ngột (co thắt thanh quản), khó tiêu…

Viem-thanh-quan-trao-nguoc-gay-khan-giong-kho-noi-do-niem-mac-thanh-quan-bi-kich-ung

Viêm thanh quản trào ngược gây khàn giọng, khó nói do niêm mạc thanh quản bị kích ứng

Mối liên hệ giữa viêm thanh quản trào ngược với trào ngược axit

Viêm thanh quản trào ngược (LDP) thường được coi là một dạng của trào ngược dạ dày thực quản (hay trào ngược axit - GERD), xảy ra khi các chất trong dạ dày trào lên qua thực quản và tràn vào thanh quản, hầu họng. Tuy nhiên, trào ngược thanh quản và trào ngược axit thường khác nhau về mức độ phổ biến tương đối của chứng ợ nóng và hắng giọng. Trong khi chứng ợ chua xuất hiện ở hơn 80% trường hợp trào ngược axit thì nó chỉ xảy ra với 20% người bị trào ngược thanh quản.

Ngoài ra, trào ngược thanh quản có nguy cơ gây viêm phế quản hoặc viêm phổi vì axit dạ dày có thể đi qua ống tiêu hóa đến các khu vực lân cận. Viêm thanh quản trào ngược cũng thường liên quan đến ban đỏ hoặc mẩn đỏ, cũng như phù nề ở các mô của thanh quản do tiếp xúc với dịch vị dạ dày. Ngược lại, hầu hết các trường hợp trào ngược axit không có tổn thương rõ ràng ở lớp niêm mạc của thanh quản.

Chẩn đoán viêm thanh quản trào ngược như thế nào?

Chẩn đoán viêm thanh quản trào ngược khá hạn chế bởi triệu chứng và dấu hiệu của bệnh không đặc hiệu. Hơn nữa, các triệu chứng của tình trạng này còn tương đồng với nhiều rối loạn khác. Do đó, chẩn đoán thường dựa trên các triệu chứng kích ứng hoặc sưng tấy ở cổ họng và phía sau thanh quản. Trong nhiều trường hợp, không cần xét nghiệm để chẩn đoán.

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp để xác định viêm thanh quản trào ngược, bao gồm:

  • Nội soi họng - thanh quản
  • Dùng pH kế đo pH dịch vị (thực quản) trong 24 giờ.

Chan-doan-viem-thanh-quan-trao-nguoc-bang-phuong-phap-noi-soi

Chẩn đoán viêm thanh quản trào ngược bằng phương pháp nội soi

Các cách điều trị viêm thanh quản trào ngược

Điều trị viêm thanh quản trào ngược tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Tuy nhiên, muốn điều trị hiệu quả, người bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp với nhau.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống quyết định đến 50% hiệu quả điều trị viêm thanh quản trào ngược. Bằng cách điều chỉnh một số thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, bạn có thể giảm được chứng ợ nóng, khàn tiếng và đau họng khó chịu. Cụ thể:

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ăn một lượng lớn thực phẩm vào cùng lúc.
  • Không ăn tối quá muộn hay sát với thời điểm đi ngủ.
  • Không nằm ngay sau khi ăn vì sẽ gia tăng sức ép cho dạ dày, gây khó tiêu, cản trở quá trình tiêu hóa, dẫn đến ợ chua. Người bị viêm thanh quản trào ngược nên nằm nghiêng về bên trái.
  • Tránh ăn các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, bạc hà hoặc có tính axit như trái cây có múi, dưa cà muối. Socola cũng không tốt cho người bị viêm thanh quản trào ngược vì nó kích thích cổ họng tăng sản xuất chất nhầy.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá, caffeine.
  • Khi ngủ, nên nâng cao đầu giường để giữ trọng lực cơ thể giúp ngăn dịch dạ dày tràn ra ngoài.
  • Giảm cân nếu bạn có cân nặng vượt mức cho phép.
  • Cố gắng không hắng giọng bởi hành động này không tốt cho dây thanh quản của bạn.
  • Mặc quần áo vừa vặn, tránh đồ bó sát sẽ gây áp lực lên dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược.

Điều trị nội khoa

Có một số loại thuốc giúp ức chế sự bài tiết axit của dạ dày, góp phần kiểm soát các triệu chứng viêm thanh quản do trào ngược.

Thuốc ức chế bơm proton

Thuốc ức chế bơm proton là những chất có khả năng ức chế enzyme H+,K+-ATPase. Enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc bài tiết H+ (proton). Nhờ ức chế toàn bộ sự bài tiết axit nên thuốc giúp làm lành vết loét nhanh chóng và hiệu quả. Các thuốc ức chế bơm proton phổ biến là esomeprazole, lansoprazole, và pantoprazole.

Omeprazole-la-mot-thuoc-uc-che-bom-proton-giup-lam-lanh-vet-loet-o-da-day-nhanh-chong

Omeprazole là một thuốc ức chế bơm proton giúp làm lành vết loét ở dạ dày nhanh chóng

Thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit trung hòa axit trong dạ dày và giúp giảm đau tức thì nhờ làm lành vết loét. Các lựa chọn phổ biến bao gồm natri bicacbonat, canxi cacbonat và thuốc kháng axit nhôm và magie. Bạn nên sử dụng thuốc kháng axit 30 đến 60 phút sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ vì chúng hiệu quả hơn vào những thời điểm này.

Thuốc ngăn chặn axit (thuốc chẹn H2)

Những thuốc như cimetidin, ranitidin, famotidin là các chất ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2, từ đó ngăn chặn sự bài tiết acid kích thích gastrin và giảm lượng dịch vị dạ dày tương ứng. Thuốc chẹn H2 hấp thu tốt qua đường tiêu hoá, khởi đầu tác dụng từ 30 đến 60 phút sau khi dùng và đạt đỉnh sau 1-2 giờ.

Can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết với người bị viêm thanh quản trào ngược nếu các liệu pháp bảo tồn và chăm sóc y tế thất bại. Một phương pháp được gọi là thắt đáy dạ dày Nissen sẽ thắt đáy dạ dày bao quanh thực quản nhằm tái tạo van dạ dày, ngăn axit tràn ra ngoài. Tuy nhiên, phẫu thuật không giúp loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng viêm thanh quản trào ngược và chúng vẫn có thể tái phát.

Cùng với các biện pháp điều trị nội khoa hay can thiệp phẫu thuật, người bị viêm thanh quản trào ngược có thể sử dụng những thảo dược như rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng. Nhờ khả năng chống viêm, giảm đau nên những thảo dược này giúp giảm nhanh triệu chứng đau rát họng, khản tiếng hiệu quả. Việc kết hợp thảo dược không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, mà còn hạn chế được tác dụng phụ của các phương pháp khác.

Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản trào ngược có thể kiểm soát tốt triệu chứng nếu có một lối sống khoa học. Duy trì những thói quen lành mạnh, đảm bảo cân nặng trong ngưỡng cho phép và dùng thuốc theo đúng chỉ định sẽ giúp thanh quản của bạn khỏe mạnh, tránh những ảnh hưởng không tốt đến giọng nói.

Nếu còn thắc mắc về chủ đề trên, bạn hãy bình luận ngay bên dưới để được chuyên gia hỗ trợ giải đáp.

Nguồn tham khảo:

http://www.otolaryngology.pitt.edu/centers-excellence/voice-center/conditions-we-treat/reflux-laryngitis

https://www.medicinenet.com/reflux_laryngitis/article.htm#8_reflux_laryngitis_diet_tips_and_home_remedies

https://voicefoundation.org/health-science/voice-disorders/voice-disorders/reflux-laryngitis/symptoms-of-reflux-laryngitis/

https://en.wikipedia.org/wiki/Laryngopharyngeal_reflux

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15024-laryngopharyngeal-reflux-lpr