Chào bạn Thảo! Rất vui vì bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc về cho chúng tôi.
Trước tiên, xin được thông tin thêm cho bạn rằng, viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị sưng, viêm, dẫn đến các triệu chứng như: Sốt, ho, đau họng, khản tiếng,... rất giống với những biểu hiện ở con bạn.
Theo thống kê, có rất nhiều yếu tố gây ra tình trạng viêm họng ở trẻ, phần lớn là do các virus như: Virus adeno, rhino, virus hợp bào đường thở, virus cúm, sởi,… hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu, H.Influenzae,… Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể tác động khiến viêm họng ở trẻ hình thành và phát triển như: Thời tiết thay đổi đột ngột tương tự như trường hợp của con bạn; Hoặc ô nhiễm môi trường, dị ứng với lông động vật,...
Nhưng nguyên nhân sâu xa khiến trẻ bị viêm họng là do hệ miễn dịch suy yếu, khiến sức đề kháng niêm mạc họng suy giảm, từ đó dễ bị tấn công bởi các yếu tố bất lợi kể trên.
Trên thực tế, sốt thường là triệu chứng đầu tiên khi trẻ bị viêm họng. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể với nhiễm trùng. Cụ thể, trẻ có thể sốt trong khoảng 38 - 40 độ C, đi kèm hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè. Trẻ mệt mỏi hoặc quấy khóc, kém ăn, bỏ bú. Một số trường hợp trẻ có thể bị nôn nhiều hoặc đi ngoài phân lỏng.
Thông thường, trẻ chỉ sốt nhẹ và kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sốt tới 4 - 5 ngày như con bạn. Vậy bé sốt 5 ngày như vậy có nguy hiểm không? Tùy từng các triệu chứng đi kèm cũng như mức độ cơn sốt nặng hay nhẹ để có thể kết luận được điều này.
Trong trường hợp của con bạn, hiện bé chỉ sốt nhẹ 38 độ và cũng hạ sốt ngay sau khi dùng thuốc nên bạn không nên quá lo lắng. Điều này có thể xuất phát từ việc bạn chăm sóc con chưa đúng cách. Do đó, bạn hãy cứ cho bé dùng thuốc theo chỉ định và nhớ chú ý theo dõi các triệu chứng của bé.
Bởi tình trạng này của con nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây sốt cao kéo dài hơn, thậm chí là 10 ngày thì sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm, và dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, biểu hiện cho việc nhiễm trùng đã ở mức nặng như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm cầu thận, thấp khớp tim,... Bên cạnh đó, nếu trẻ sốt cao trên 39 - 40 độ C thì có thể dẫn đến co giật, nếu không tìm cách hạ nhiệt ngay, nhịp tim tăng quá nhanh, thường gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não, thậm chí là tử vong.
Chính vì vậy, bạn cần cập nhật tình hình sức khoẻ của con thường xuyên, bằng cách đo nhiệt kế, theo dõi những biểu hiện như: Mặt đỏ, toát mồ hôi, ngủ li bì,... Nếu thấy trẻ bị sốt dưới 38,5 độ C thì chỉ cần dùng khăn bông mềm, thấm nước ấm và vắt khô; Sau đó, dùng khăn này để lau vào nách, trán, bẹn của trẻ. Khi bé hạ sốt, ra mồ hôi thì phải lau khô người và thay quần áo mới cho trẻ để tránh cơ thể bị nhiễm lạnh. Còn nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể dùng miếng dán hoặc thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng quy định để cho bé sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ, vì có thể khiến bé gặp hội chứng Reye - gây phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan,... với triệu chứng thở nhanh và lượng đường trong máu thấp, nôn dữ dội, thậm chí có thể khiến trẻ bị co giật hoặc hôn mê. Nếu không được cứu chữa kịp thời, trẻ sẽ tử vong sau vài giờ.
Chúc bạn sức khỏe!