Cháu xin chào bác sĩ, cháu đã bị khản tiếng cả năm nay, nhiều lúc giọng khản đặc không thể chịu nổi vì ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc, học hành của cháu. Cháu có đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị hạt xơ ở dây thanh quản. Xin hỏi bệnh này của cháu có nguy hiểm không và cần điều trị thế nào, sau khi điều trị khỏi thì có còn bị khản tiếng nữa không? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:

Chào bạn, như bạn chia sẻ thì bạn đang bị hạt xơ ở dây thanh quản. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng phần lớn là do viêm thanh quản mạn tính không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Không rõ bạn làm nghề gì nhưng chắc hẳn là sử dụng giọng nói nhiều. Hạt xơ dây thanh làm các dây thanh khép không kín mép, rung không đều, tạo khe hở thanh môn và làm cho hơi bị thoát ra ngoài dẫn đến các triệu chứng khản tiếng, mất tiếng, nói hụt hơi, nhanh mệt rõ rệt. Đặc biệt, triệu chứng này ngày càng nặng nếu bạn làm nghề phải sử dụng giọng nói nhiều (giáo viên, ca sỹ, nhân viên bán hàng...), la hét, hát hò hoặc sau một đợt bị cảm lạnh.

Về phương pháp điều trị nguyên nhân của khản tiếng là hạt xơ dây thanh, thì thường với các hạt xơ kích thước nhỏ, các bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp bảo tồn là chính, không cần phải phẫu thuật. Đầu tiên, bạn cần hạn chế lạm dụng giọng nói, sử dụng thêm các máy khuếch đại âm thanh nếu cần, nếu có các bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản,... thì cần điều trị triệt để vì đây là nguyên nhân khiến bệnh nặng hơn. Luyện tập giọng nói với cường độ âm phù hợp sẽ giúp bạn lấy hơi chuẩn và phát âm tốt, giảm cường năng thanh quản, giảm lực va đập của dây thanh quản. Trong trường hợp hạt xơ kích thước lớn, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho bạn. Ngay cả sau phẫu thuật, triệu chứng khản tiếng vẫn có thể liên tục tái phát, do đó bạn cần hạn chế nói để có thời gian cho dây thanh quản được hồi phục.

Về chế độ dinh dưỡng, bạn cần chú ý ăn các thực phẩm mềm, không quá nóng, quá lạnh, hạn chế các đồ ăn cay, nóng và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.