Tôi năm nay 45 tuổi, nam, tôi hay uống rượu và hút thuốc lá, gần 1 tháng trở lại đây tôi bị khàn tiếng, ngứa họng rất nhiều lúc nào cũng muốn ho, tôi đã uống thuốc nhưng không thấy khỏi. Tôi đi khám thì được bác sỹ chẩn đoán nấm thanh quản, tôi đang điều trị theo đơn của bác sỹ, lúc trước ho khan mấy ngày hôm nay tôi thấy có đờm xanh. Có phải bệnh của tôi đang nặng lên, bệnh này có khó chữa không? Bác sỹ có thể cho tôi biết nấm thanh quản là gì ? Làm thế nào để chữa bệnh nấm thanh quản? Tôi xin cảm ơn
Trả lời:

Chào bạn!

Nấm thanh quản là một trong những bệnh gây nên tình trạng khàn tiếng kéo dài, kèm theo ngứa họng và ho khan hoặc ho có đờm. Nấm thanh quản điều trị không khó, nếu đã điều trị khỏi và có các biện pháp phòng bệnh hợp lý bệnh sẽ ít tái phát.

Nguyên nhân gây nấm thanh quản dẫn đến khàn tiếng

Nấm thanh quản gây khàn tiếng dẫn đến không ít phiền toái cho người bệnh. Nguyên nhân gây nấm thanh quản có thể do môi trường ô nhiễm, hệ miễn dịch suy giảm, điều trị kháng sinh liều cao dài ngày, tia xạ hóa chất, sử dụng corticoid kéo dài, đái tháo đường, là những yếu tố thuận lợi gây nhiễm nấm ở thanh quản. Các loại nấm thường gặp đó là nấm Candida , Candida thường có ở họng, miệng khi gặp các yếu tố thuận lợi sẽ trở thành gây bệnh và loại thứ 2 là nấm Aspergillus _ có trong không khí và đất xâm nhập và gây bệnh qua đường hô hấp.

Khàn tiếng có phải là triệu chứng điển hình của nấm thanh quản ?

Triệu chứng hay gặp của nấm thanh quản là khàn tiếng đồng thời còn kèm theo các triệu chứng như ngứa họng, ho từng cơn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, có thể là ho khan hoặc ho có đờm xanh khi có bội nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ dẫn đến tình trạng bào tử nấm xâm nhập vào tổ chức dưới niêm mạc tạo thành khối nấm giả u gây khó nuốt, khó thở.

Điều trị nấm thanh quản gây khàn tiếng

Việc điều trị nấm thanh quản chủ yếu điều trị nội khoa là chính, dùng kháng sinh chống nấm như nystatin, Fluconazol, Flucytosin… Kết hợp với giảm viêm chống phù nề với các thuốc chống viêm không steroid và nâng cao thể trạng bằng cách bổ sung vitamin C và nhóm B. Chỉ điều trị ngoại khoa khi cần thiết bằng cách soi treo nhằm bóc tách lấy bỏ giả mạc (nấm ) ở thanh quản để lấy bệnh phẩm đi xét nghiệm vi sinh, mô học, giảm bớt tác nhân gấy bệnh và đảm bảo chức năng hô hấp và phát âm.

Vì vậy, Khi mắc nấm thanh quản gây khàn tiếng kéo dài cần được xác định đúng, điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ hạn chế được tối đa sự tái phát của bệnh và các biến chứng. Sử dụng các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, bón phân, khi tiếp xúc với môi trường ẩm mốc, bổ sung các vitamin C và vitamin nhóm B. Có chế độ sinh hoạt hợp lý tăng cường sức khỏe, rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. 

Chúc bạn sức khỏe!