Tôi tên Trần Thanh Vân, quản lý nhà hàng lớn. Công việc của tôi là quản lý phải phân công nhân viên nên thường xuyên đau họng khản tiếng do nói nhiều. Tôi bình thường giọng đã khản, nhưng cứ mỗi lần trở trời, hoặc hôm nào nhiều việc là giọng khản đặc có khi tắt tiếng. Giờ tôi nên uống thuốc gì? (Trần Thanh Vân – Liên Chiểu, Đà Nẵng)
Trả lời:

Thanh Vân thân mến,

Sau khi hò hét to, nói lâu, nói nhiều hoặc làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm… chúng ta rất dễ bị viêm thanh quản. Ban đầu, người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, sốt,… sau đó đau họng khản tiếng, cảm giác nóng và khô hoặc như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho. Tiếp đến, giọng nói bị khản đặc, thậm chí mất tiếng.

Nguyên nhân đau họng khản tiếng

Theo GS.TS Trần Hữu Tuân, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản như: phát âm quá mức do đặc thù nghề nghiệp ở những người sử dụng tiếng nói làm công cụ lao động (người bán hàng, phát thanh viên, ca sĩ, giáo viên…); do viêm nhiễm virus, vi khuẩn trong viêm mũi, viêm họng, đặc biệt khi bị lạnh, ẩm, thay đổi thời tiết đột ngột, có các ổ viêm mạn như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng… rất dễ lan xuống gây viêm thanh quản; do thanh quản bị kích thích ở những người nghiện thuốc lá, rượu bia, tiếp xúc với hóa chất, ăn uống quá lạnh, quá nóng; có tổn thương thực thể như hạt xơ dây thanh, u nang, polyp dây thanh,…

Đau họng khản tiếng uống thuốc gì?

Với trường hợp bạn bị viêm thanh quản mạn tính do phải nói nhiều và nói to thường xuyên. Để điều trị và giảm các triệu chứng của viêm thanh quản là đau họng khản tiếng, bên cạnh việc nghỉ ngơi, hạn chế nói, giữ ấm cổ,… bạn có thể làm theo cách dân gian là sử dụng chanh tươi thái lát mỏng, nghệ tươi, đường phèn hấp cách thuỷ ngậm nhiều lần trong ngày. Dùng một số thảo dược như húng chanh, mật ong, quất, gừng, tía tô, ngải cứu, bạc hà... cũng cho kết quả tốt.

Bên cạnh đó, nhiều người thắc mắc viêm họng khản tiếng uống thuốc gì? Bạn có thể dùng kháng sinh phòng bội nhiễm nhóm beta-lactam như: amoxicillin, cephalosporin dạng viên hoặc siro với liều theo cân nặng. Nếu dị ứng với nhóm kháng sinh này thì có thay thế bằng kháng sinh nhóm macrolid...

Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể cho dùng thuốc chống viêm, giảm phù nề bằng liệu pháp corticoid (hít) hoặc corticoid đường uống, thuốc alpha-chymotrypsine dạng viên nén ngậm dưới lưỡi hoặc uống phối hợp với các thuốc giảm ho, kháng histamin.

Thuốc ngậm tại chỗ chữa đau họng khản tiếng cũng rất hữu ích. Tuy nhiên về cách sử dụng, liều dùng cũng như thời gian sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Chúc bạn sức khỏe!