Nguyên nhân gây khản tiếng
Khản tiếng là tình trạng rối loạn phát âm thường do viêm thanh quản và nhiều khi đây là biểu hiện duy nhất của bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư thanh quản,... Khản tiếng thường đi kèm với cảm giác ngứa, đau họng, sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi hay thậm chí ho khan nhẹ.
Thanh quản là cơ quan phát âm, vì vậy mọi kích thích hay tổn thương thanh quản đều dẫn tới biến đổi giọng nói và hay gặp nhất là khản tiếng. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như nhiễm lạnh, ô nhiễm môi trường, hóa chất, stress, căng thẳng thần kinh, dị ứng... Tình trạng nhiễm khuẩn vùng lân cận, viêm xoang, mũi hay phế quản, viêm họng, viêm amidan… cũng có thể gây viêm thanh quản.
Chữa khản tiếng thế nào?
Khi gặp tình trạng khản tiếng, bạn nên để thanh quản nghỉ ngơi, tránh nói to, nói nhiều, tốt nhất nên hạn chế nói trong thời gian điều trị, uống nhiều nước đặc biệt là nước trà ấm giúp làm ẩm cổ họng, làm cho việc phát âm và nuốt trơn, dễ dàng hơn. Ngoài ra bạn cần bổ sung thêm các vitamin đặc biệt là vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Chú ý thường xuyên vệ sinh mũi họng sạch sẽ, đeo khẩu trang để tránh bụi, sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động. Tránh uống nước lạnh, sử dụng gia vị kích thích như ớt, tiêu… không hút thuốc lá.
Nếu mắc các bệnh đường hô hấp lân cận như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang… hay trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị triệt để, tránh lây lan sang các cơ quan xung quanh.
Nếu bạn thấy tình trạng khản tiếng kéo dài kèm theo khó nuốt thì nên chuyên khoa tai mũi họng để được khám, nội soi hầu họng, bởi có thể khản tiếng là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như: ung thư thanh quản, hay vòm họng…
Chúc bạn sức khỏe!
Chuyên gia Tai mũi họng