Bé bị khàn tiếng không ho đơn thuần có thể do quấy khóc hoặc la hét quá mức trong thời gian dài. Trên thực tế, bất kỳ điều gì tác động đến dây thanh đều rất dễ ảnh hưởng tới giọng nói của bé. Vậy cha mẹ nên xử lý thế nào khi bé bị khàn tiếng?
Nguyên nhân khiến bé bị khàn tiếng không ho
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bé bị khàn tiếng không ho, từ những yếu tố khách quan đến các bệnh lý tiềm ẩn. Cụ thể:
Đường hô hấp trên bị nhiễm trùng
Nhiễm virus và vi khuẩn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cổ họng và dây thanh âm, dẫn đến khàn tiếng. Những bệnh này gồm viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm thanh quản khí quản (viêm tiểu phế quản).
La hét, quấy khóc quá mức
Khóc quá nhiều có thể làm tổn thương thanh quản, tăng áp lực lên dây thanh, dẫn đến khàn tiếng. Với những trẻ lớn hơn, việc la hét khi tham gia các hoạt động tập thể biểu thị bé đang rất phấn khích và hào hứng. Tuy nhiên, nếu lặp lại nhiều lần thì dây thanh âm sẽ luôn trong trạng thái căng cứng, từ đó làm bé bị khàn tiếng không ho.
Bé la hét quá nhiều gây ra khàn tiếng không ho
Tiếp xúc với các chất gây dị ứng
Dị ứng là tác nhân gây ra tình trạng viêm hoặc chảy nước mũi dẫn tới sự kích thích và kích ứng các dây thanh âm. Điều này làm bé bị khàn giọng, có thể kèm theo ho hoặc không.
Trào ngược thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến ở trẻ dưới 1 tuổi vì hệ tiêu hóa của trẻ giai đoạn này chưa hoàn thiện. Việc axit liên tục tiếp xúc với cổ họng sẽ làm dây thanh quản bị tổn thương, khiến bé bị khản tiếng không ho.
Bé bị khàn tiếng có sao không?
Chuyện trẻ nhỏ bị khàn tiếng rất thường gặp, nhất là những bé có tính cách hiếu động, ham chơi, có thói quen hay la hét, cười đùa lớn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể cảnh báo nhiều bệnh lý như viêm thanh quản, trào ngược dạ dày… Bên cạnh đó, thanh quản lại là chỗ hẹp nhất của đường thở, do vậy nếu bị viêm nhiễm sẽ gây phù nề, bịt kín đường thở làm trẻ bị khó thở, có thể dẫn tới ngừng cung cấp oxy lên não.
Vì thế, cha mẹ không nên chủ quan khi bé bị khàn tiếng không ho mà hãy xử lý sớm nhằm tránh những ảnh hưởng về giọng nói sau này.
Bé bị khàn tiếng không ho có thể mắc các bệnh ở đường hô hấp
Cách khắc phục khi bé bị khàn tiếng
Nếu bé đột nhiên bị khàn tiếng và không có các triệu chứng khác đi kèm, giọng nói sẽ tự cải thiện sau vài ngày. Tuy nhiên, trong thời gian này, phụ huynh vẫn cần có những biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp để giúp bé phục hồi nhanh hơn.
Một số biện pháp chăm sóc thông thường
Bằng cách thay đổi một vài thói quen trong sinh hoạt, bạn có thể giúp bé đẩy lùi tình trạng khàn tiếng, lấy lại giọng nói như ban đầu. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp ích cho bạn khi bé bị khàn tiếng không ho:
- Cho bé uống nhiều nước ấm giúp làm ẩm niêm mạc thanh quản, giảm kích ứng cổ họng.
- Không nên để bé khóc quá lâu và bố mẹ cần nhắc nhở nếu trẻ nói to, kích động.
- Vệ sinh răng miệng của bé sạch sẽ thông qua việc đánh răng sau ăn, súc miệng với nước muối… nhằm hạn chế các vi khuẩn có hại tấn công.
- Tránh cho bé ăn các món có thể gây hại cho vùng hầu họng như kem, nước ngọt có ga… Những thực phẩm cay nóng hay chứa nhiều dầu mỡ cũng cần hạn chế bởi chúng chính là thủ phạm làm dây thanh âm bị kích ứng nhiều hơn.
- Cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để loại bỏ các chất gây dị ứng ở bên ngoài.
- Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất ô nhiễm khác có thể gây kích ứng thanh quản.
Khuyến khích bé uống nhiều nước giúp giảm kích ứng dây thanh và đau họng
Dùng thuốc điều trị khàn tiếng
Trong trường hợp đã áp dụng nhiều cách mà tình trạng khàn tiếng của bé vẫn không cải thiện, phụ huynh cần cân nhắc dùng một số loại thuốc để điều trị. Vậy bé bị khàn tiếng không ho uống thuốc gì?
Theo đó, tùy vào nguyên nhân dẫn tới việc bé bị khàn tiếng không ho mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc khác nhau, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Chủ yếu là nhóm beta lactam hoặc macrolid, với các chế phẩm như amoxicillin, azithromycin…
- Thuốc chống viêm giảm phù nề: alphachymotrypsin, men tiêu viêm…
- Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc aspirin giúp giảm đau họng cho bé.
- Thuốc chống dị ứng…
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng một vài nguyên liệu tự nhiên để chữa khàn tiếng cho bé, chẳng hạn: Ngậm hỗn hợp chanh và mật ong, uống nước gừng...
Điều trị các bệnh liên quan đến khàn tiếng
Đôi khi, bé bị khàn tiếng không ho có thể do bẩm sinh mắc các tổn thương dị dạng thanh quản hoặc có vấn đề về dây thần kinh gây khàn giọng. Những nguyên nhân này bao gồm: Liệt dây thanh âm, nhuyễn thanh quản, u nang, màng nhện (màng ngăn cách mở) hoặc khe hở trong thanh quản. Một số hội chứng di truyền cũng liên quan đến các dị tật gây khàn giọng.
Ngoài ra, nếu dây thần kinh thanh quản bị tổn thương cũng làm di chuyển dây thanh âm có thể dẫn đến việc bé bị khàn tiếng không ho. Điều này có thể bao gồm nhiều bệnh hiếm gặp liên quan đến não hoặc dây thần kinh trong cơ thể. Hay như một số phẫu thuật ở ngực, tim và các mạch máu lớn cũng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh.
Như vậy, đối với những bé bị khàn tiếng không ho lâu ngày không rõ nguyên nhân, cha mẹ nên đưa bé đến gặp chuyên gia để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng tránh khàn tiếng cho bé như thế nào?
Bé bị khàn tiếng không ho rất phổ biến, nhất là vào những thời điểm giao mùa. Sức đề kháng dây thanh kém khiến bé không thể đáp ứng kịp với sự thay đổi bất thường của thời tiết, dẫn tới khàn giọng mất tiếng tạm thời. Để đối phó với hiện tượng này, cha mẹ cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Không cho bé ăn, uống đồ giải khát quá lạnh.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng họng của bé khi nhiệt độ thấp.
- Vệ sinh nhà cửa, loại bỏ phấn hoa, lông vật nuôi giúp hạn chế các chất gây dị ứng trong không khí.
- Tạo thói quen rửa tay thường xuyên cho bé để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, giảm nguy cơ mắc các bệnh ở đường hô hấp.
- Tăng sức đề kháng cho bé bằng các sản phẩm thảo dược như rẻ quạt, bán biên liên, kinh giới, cỏ lào… giúp giảm ho, giảm sưng đau họng hiệu quả từ bên trong.
Tóm lại, bé bị khàn tiếng không ho đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên muốn khắc phục triệt để, cha mẹ cần tìm hiểu rõ vấn đề gây ra sự bất thường trong giọng nói của bé. Hãy xử lý thật sớm khi thấy giọng bé có điểm khác lạ để tránh những ảnh hưởng sau này, bạn nhé!
Nếu còn thắc mắc về chủ đề trên, bạn hãy bình luận ngay bên dưới để được chuyên gia hỗ trợ giải đáp.
Nguồn tham khảo:
https://kidshealth.org/en/parents/hoarseness.html
https://pediatric-ent.com/hoarseness/