Những năm gần đây, viêm xoang là một trong những bệnh lý phổ biến ở nước ta. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang như do dị ứng với thời tiết, ô nhiễm môi trường, virus, vi khuẩn,… Viêm xoang khiến người bệnh gặp không ít phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày với các triệu chứng như đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau nặng vùng hốc mắt và mũi, mệt mỏi, sốt,…
Đa phần chúng ta chỉ biết đến những triệu chứng khó chịu do viêm xoang mà không mấy ai biết rằng viêm xoang nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để nó có thể dẫn đến các biến chứng khác có khi làm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Những biến chứng thường gặp nhất do viêm xoang như viêm họng, viêm thanh quản, ngoài ra còn có viêm túi lệ, viêm dây thần kinh mắt, viêm màng não do viêm xoang,… Tại sao nó có liên quan đến chứng đau họng, khản tiếng? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh lý viêm xoang với chứng đau họng, khản tiếng qua bài viết dưới đây.
Mối liên quan giữa viêm xoang và chứng đau họng, khản tiếng:
Đau họng, khản tiếng, mất tiếng là những triệu chứng của viêm họng, viêm thanh quản _ đây là những biến chứng thường gặp do viêm xoang cấp và mạn tính, thậm chí viêm họng và viêm xoang gần như luôn đi kèm với nhau. Các xoang mũi và khoang họng là một hệ thống các cơ quan rỗng, liền kề nhau, được lót bởi niêm mạc hô hấp, thông với nhau và có cùng chung hệ thống bảo vệ chống viêm nhiễm của vòng lympho Waldeyer. Do vậy mà các bệnh lý viêm nhiễm vùng tai mũi họng luôn có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Viêm xoang và chứng đau họng
Khi mắc viêm xoang người bệnh thường gặp các triệu chứng như nghẹt mũi, có thể một hoặc cả 2 bên, với trường hợp viêm xoang mạn tính có polyp có thể gây nghẹt tắc mũi kéo dài làm cho người bệnh phải thở bằng miệng để hít đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể, không khí không đi qua mũi nên không được làm ẩm, làm ấm và làm sạch từ đó sẽ gây nên hiện tượng khô họng, virus và vi khuẩn xâm nhập gây viêm họng, đau họng,… Mặt khác dịch nhầy tiết ra từ niêm mạc xoang chảy xuống họng và thanh quản hoặc do trẻ không biết xì mũi hay khịt mũi, hít dịch mũi xuống họng dẫn đến dịch nhầy bám ở thành họng, amidan gây viêm họng cấp. Với các trường hợp viêm xoang mạn tính dịch từ các xoang chảy xuống thường xuyên, lâu ngày làm các hạt lympho ở thành sau họng phải hoạt động nhiều, phát triển to dần hình thành các hạt ở thành sau họng được gọi là viêm họng hạt. Các trường hợp viêm họng hạt do viêm xoang thì cần điều trị viêm xoang trước, không nên chỉ điều trị tại chỗ viêm họng hạt, việc đốt hạt trong các bệnh lý viêm họng hạt có thể sẽ gây hại bởi nếu dịch xoang vẫn chảy xuống và vết thương ở họng do đốt điện chưa hồi phục sẽ làm tổn thương ở họng tăng, dẫn tới tình trạng viêm tấy mủ trong họng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Viêm xoang và chứng khản tiếng
Với các trường hợp mắc viêm đa xoang, viêm xoang sau mạn tính có thể dẫn đến viêm thanh quản với các triệu chứng khản tiếng, ho,.. Viêm thanh quản cấp tính thường gặp trong các đợt cấp của viêm xoang mạn tính, nguyên nhân là do dịch xoang chảy xuống thanh quản bám vào niêm mạc thanh quản gây viêm niêm mạc thanh quản với các triệu chứng như khản tiếng, mất tiếng, ho, có đờm,… Những người mắc viêm xoang mạn tính có tỷ lệ mắc hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh và u nang dây thanh cao hơn rõ rệt.