Viêm mũi họng là bệnh đường hô hấp trên phổ biến ở trẻ dưới 6 tuổi. Thông thường, bệnh thường thuyên giảm sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ bị viêm mũi họng kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này? Phải làm sao để đối phó? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn câu trả lời chính xác nhất!

Trẻ bị viêm mũi họng kéo dài là do đâu?

Mũi và họng là đường đi của không khí từ ngoài vào phổi, cung cấp oxy cho cơ thể. Bởi vậy, đây thường là những cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng của các tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, trẻ vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện như người lớn, sức đề kháng còn non yếu nên rất dễ bị viêm mũi họng. Trẻ mắc bệnh thường có các biểu hiện như: Quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, sổ mũi (nước mũi ban đầu loãng và trong, sau có thể đặc, màu xanh, mùi tanh); Ngạt mũi, hắt hơi, họng sưng đỏ, ho khan, sau ho có đờm; Một số bé còn nôn, đi ngoài phân lỏng, trằn trọc khó ngủ,...

Thông thường, các triệu chứng viêm mũi họng thường thuyên giảm sau khoảng 5 - 7 ngày nếu được điều trị đúng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, trẻ bị viêm mũi họng kéo dài nhiều ngày khiến cha mẹ hết sức lo lắng. Hiện tượng này được giải thích là do viêm mũi họng là bệnh dễ tái phát nhiều lần. Trẻ có thể vừa bị đợt chưa khỏi hẳn lại nối tiếp đợt khác, dn đến các triệu chứng kéo dài dai dẳng. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Phụ huynh nên làm gì để phòng ngừa viêm mũi họng tái phát nhiều lần ở trẻ ?

Có thể thấy, sức đề kháng suy yếu là nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm mũi họng kéo dài. Chính vì vậy, tăng cường hệ miễn dịch là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh viêm mũi họng tái phát thường xuyên. Dưới đây là một số gợi ý cho các bậc phụ huynh:

- Tiêm vắc - xin là biện pháp đầu tiên, giúp hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh ở trẻ.

- Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, đầu trẻ; Không nên cho bé uống nước lạnh; Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá; Nếu cho bé đi ngoài đường, cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng để hạn chế hít phải khói bụi, chất độc hại.

- Cần vệ sinh mũi, họng, miệng cho trẻ hàng ngày bằng hình thức đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt nhất giúp trẻ tạo thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% trước khi đánh răng.

- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết, ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe toàn trạng, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh hiệu quả.

- Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ vận động ngoài trời hoặc tập các bài thể dục vừa sức mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng hiệu quả.

- Ngoài ra, bạn cũng không nên cho trẻ đến những nơi đông người, nhất là khi có dịch bệnh truyền nhiễm; Tránh để bé tiếp xúc với người đang mắc bệnh nhằm hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm.

- Việc dùng thuốc kháng sinh thường xuyên có thể gây rối loạn tiêu hoá. Hơn thế, thuốc cũng tiêu diệt lợi khuẩn tại hệ tiêu hoá và niêm mạc đường hô hấp. Điều này đồng nghĩa với việc sức đề kháng sẽ bị suy giảm. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho con sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của chuyên gia.